Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa đưa ra tại phiên họp của UBTVQH sáng nay (15.8) về giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Bày tỏ "hoàn toàn nhất trí" với báo cáo của đoàn giám sát, ông Nghĩa thừa nhận giai đoạn 2011-2016 đã xảy ra tình trạng làm BOT "ồ ạt" trong khi chưa có tổng kết, đánh giá. Ông Nghĩa cho hay, tháng 6.2016 Bộ đã có tổng kết 5 năm thực hiện dự án giao thông và có báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan hữu quan và mong các kiến nghị đó được đoàn giám sát quan tâm đánh giá và bổ sung.
Báo cáo giám sát chuyên đề do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nhận định, việc thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT giai đoạn 2011-2016, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế, nguồn ODA thu hẹp là hướng đi đúng đắn.
Tuy nhiên báo cáo giám sát cũng những hạn chế bất cập như việc triển khai các chiến lượng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chưa có nguyên tắc và thứ tự ưu tiên đầu tư.
Chỉ định thầu dẫn đến thiếu cạnh tranh, minh bạch
Theo báo cáo, nhiều dự án là dự án cải tạo, nâng cấp trên các tuyến đường huyết mạch độc đạo hạn chế sự lựa chọn của người dân; công tác lập, thẩm định phê duyệt dự án lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều bất cập…
Báo cáo giám sát đánh giá thực tế hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT thời gian đều được chỉ định đã hạn chế tính cạnh tranh, giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Một số dự án không đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch.
Một vấn đề khác được đoàn giám sát nêu ra là nguồn lực chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, một số ngân hàng chi nhanh chưa thực hiện đúng quy định về tín dụng. Đặc thù các dự án BOT có vòng đời dự án từ 15-20 năm trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Sự chênh lệch kỳ hạn nếu không được quản trị tốt hoặc thu hồi vốn đúng theo kế hoạch dẫn đến rủi ro lớn.
Đặc biệt báo cáo giám sát cũng chỉ ra việc thu phí sử dụng dịch vụ còn nhiều bất cập. Theo đó vị trí đặt trạm thu phí và khoảng cách giữa các trạm chưa hợp lý, thực tế xảy ra 2 tình trạng. Thứ nhất là việc trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án hay cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường song song với tuyến đường thực hiện theo BOT để đảm bảo phương án tài chính dự án.
Thứ hai là yêu cầu khoảng cách giữa 2 trạm thu phí là 70km. Khung giá dịch vụ rộng dễ dẫn đến tiêu cực. Ngoài ra trong quá trình xây dựng không tham vấn, lấy ý kiến người dân, tổ chức gần dẫn đến tình trạng phản đối kéo dài, sau khi người dân bức xúc khiếu kiện mới giải quyết bằng cách miễn giảm phí
Cũng theo đoàn giám sát hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường có sẵn gồm nhiều đoạn giao cắt đồng mức do vậy chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở, không thể áp dụng thu phí kín…
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phản ánh tình trạng nhiều dự án BOT thực tế chỉ “tráng lại”, có dự án mở thêm mỗi bên được vài chục cm gần như không thay đổi rồi thu tiền dẫn đến việc người dân bức xúc.
"Tôi đi nhiều nước, đặc biệt các nước trong khu vực ASEAN thì đi hàng trăm km không thấy trạm thu phí nào”, ông Giàu đặt vấn đề. Nêu câu chuyện thời sự đang xảy ra trạm thu phí Cai Lậy những ngày qua ông Giàu cho rằng đây là điều đáng buồn. “Đã phải xả trạm 2 lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý”, ông Nguyễn Văn Giàu nhận định.
tin liên quan
Trạm thu phí Cai Lậy vắng tanh từ đêm đến trưa nay sau 'xả cửa'Đến gần giữa trưa 15.8, trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy (H.Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn trong tình trạng xả trạm không thu phí các phương tiện đi qua.
Mọi búc xúc đều liên quan đến khoảng cách và mức phí
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng hai vấn đề chính đối với các dự án BOT hiện nay là khoảng cách đặt trạm BOT và mức thu phí. "Mọi phản ứng của người dân, tích cực hay tiêu cực đều liên quan đến vấn đề này”, ông Đỗ Bá Tỵ nhận định.
Theo ông Tỵ, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí đều thiếu công khai minh bạch. Quy định đặt trạm BOT có yêu cầu phải tham khảo ý kiến người dân nhưng rõ ràng thực hiện không đến nơi đến chốn, hoặc thực hiện hình thức, một số nơi thì áp đặt cho nên đã dẫn đến những bức xúc.
Cũng theo ông Đỗ Bá Tỵ, phần lớn các dự án BOT tập trung vào lĩnh vực đường bộ trong khi đường sắt, đường thuỷ chưa thấy. “Phải chăng chỉ có đường bộ mới mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, đây là vấn đề cần nghiên cứu”, Phó chủ tịch Quốc hội nói. Cũng theo ông Đỗ Bá Tỵ, bên cạnh đó cần giám sát chặt bảo đảm minh bạch, rà soát lại hệ thống trạm nào không đảm bảo khoảng cách 70km Nhà nước phải mua lại quyền thu phí để bỏ không gây bức xúc cho dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh tuyến Bắc - Nam việc thu phí ngày càng nhiều. “Cần đặt vấn đề là so với trước đây giá thành vận chuyển một tấn hàng hoá đã tăng lên bao nhiêu phần trăm? Với tình trạng làm BOT như thế này chi phí vận tải sẽ đội giá như thế nào? Thời gian đi lại có thể nhanh hơn nhưng nếu chi phí tăng lên cao thì hiệu quả mang lại như thế nào. Điều này cần phải chứng minh nếu không sẽ tiếp tục tình trạng phí chồng lên phí dẫn đến kém hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Hải nhận định.
Bình luận (0)