Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Đừng buộc dân làm phần việc của nhà nước

22/11/2018 07:40 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp luật, việc xác minh làm rõ 7 người còn lại trong vụ án cướp vàng năm 1979 có bị khởi tố, bắt giam không cần được tiến hành khẩn trương và đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, mà cụ thể ở đây là Viện KSND tỉnh Tây Ninh.

Như Thanh Niên ngày 20.11 thông tin, ngày 19.11, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm đã y án sơ của TAND H.Gò Dầu, buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, H.Gò Dầu) 615 triệu đồng. Ông Dũng là một trong 8 người bị bắt oan sai, bị dùng nhục hình để buộc nhận tội trong vụ án cướp vàng năm 1979 tại xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, mà Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh trong tháng 10.2018.
Vì sao 7 người không có quyết định đình chỉ điều tra ?
Việc lưu trữ, quản lý hồ sơ là trách nhiệm của nhà nước, không thể vì nhà nước không lưu trữ hồ sơ mà từ chối trách nhiệm đối với người dân khi họ bị oan sai và bị thiệt hại bởi công chức nhà nước gây ra. Và nếu đúng là có oan sai thì nhà nước phải bồi thường, khôi phục quyền lợi cho người bị oan sai
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Để có được phiên tòa “tranh chấp về bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”, giữa ông Dũng và Viện KSND tỉnh Tây Ninh, là nhờ sau khi được trả tự do vào chiều 17.5.1983, ông Dũng nhớ khi bị bắt đang là quân nhân, nay cần có giấy tờ chứng minh bị bắt oan để đến đơn vị trình báo nên tới hỏi ngay cán bộ trại giam về quyết định trả tự do cho mình và được cán bộ này cung cấp quyết định đình chỉ điều tra do Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành, ghi ngày 11.5.1983.
7 người còn lại gồm: ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), ông Nguyễn Thành Nghị (đã chết), bà Nguyễn Thị Thương, bà Nguyễn Thị Lan, đến nay do họ không có một quyết định hay tờ giấy “giắt lưng” nào nên 35 năm nay, dù được thả tự do cùng ngày với ông Dũng nhưng vẫn phải mang thân phận bị can và đi kêu oan, yêu cầu được bồi thường khắp nơi mà không được giải quyết. Theo những người này, khi được trả tự do họ không hề được cơ quan chức năng, chính quyền cấp giấy tờ gì liên quan đến vụ án.
Cũng theo diễn biến phiên tòa ngày 19.11 vừa qua, chủ tọa Nguyễn Văn Tòng chia sẻ: “7 người bị bắt oan cùng ông Dũng đã chịu nhiều đau khổ, đắng cay nên cần được xét xử, phán quyết rõ ràng, đàng hoàng chứ không phải chỉ ăn ké vào vụ án của ông Dũng. Nếu 7 người này chưa có quyết định đình chỉ vụ án thì phải yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh cấp lại quyết định để họ được xét xử riêng”.
Về số phận oan khuất của 7 con người còn lại, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh liên tiếp trong 5 kỳ báo và được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 hồi tháng 10.2018, ngày 12.11, Viện trưởng Viện KSND tối cao có văn bản chỉ đạo Viện KSND tỉnh Tây Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ 7 người còn lại có bị khởi tố, bắt giam không để xem xét, giải quyết đúng pháp luật đối với khiếu nại yêu cầu bồi thường của họ. Hiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh đang phối hợp cùng công an tỉnh tới nhiều nơi xác minh vụ việc.
8 người oan sai chính là nhân chứng
Các chuyên gia pháp luật một lần nữa khẳng định, quá trình giải quyết trước đây, Viện KSND tỉnh Tây Ninh viện cớ 7 đương sự còn lại đòi bồi thường nhưng không cung cấp được các tài liệu về việc bị bắt, bị khởi tố cùng các quyết định tố tụng khác và hiện nay không còn hồ sơ tài liệu vụ án nên chưa có cơ sở giải quyết, là thoái thác trách nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Vụ án xảy ra quá lâu, 40 năm, chính Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho rằng không còn lưu giữ hồ sơ vụ án, vậy sao có thể đòi hỏi người dân phải có khả năng lưu trữ giấy tờ, quyết định tố tụng để nộp? Hơn nữa, chính những người khiếu nại cho rằng, tuy họ bị bắt nhưng không hề nhận hoặc được giao bất cứ quyết định tố tụng nào liên quan đến mình. Nếu Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho rằng họ đã giao các quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án hay quyết định đình chỉ bị can cho 7 con người ấy thì Viện phải chứng minh là thực sự đã giao nhận các giấy tờ đó.
“Giấy tờ chỉ là một trong những nguồn chứng cứ. Viện KSND tỉnh Tây Ninh từng thừa nhận có hành vi bắt giam oan sai, dùng nhục hình đối với 7 người khiếu nại, thể hiện rõ trong quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Văn Dũng do Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh là ông Trịnh Quốc Anh ký ngày 11.5.1983. Quyết định này nêu rõ diễn biến vụ án, nói rõ ông Nguyễn Văn Dũng và các thân nhân liên quan đều bị công an huyện dùng nhục hình, buộc họ nhận tội, và khẳng định: “Như vậy việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình buộc họ nhận, chứ họ không phạm tội này”. Ý kiến, quan điểm của Viện KSND tỉnh Tây Ninh, thể hiện trong quyết định đình chỉ bị can, rất quan trọng vì Viện kiểm sát ngoài chức năng giữ quyền công tố thì còn có quyền kiểm sát điều tra”, ông Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, căn cứ quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Văn Dũng thì việc bắt người, dùng nhục hình là có thật và quan trọng là những người này bây giờ vẫn còn sống, đang khiếu nại là đã bị bắt oan sai. Họ cũng chính là nguồn chứng cứ sống để xác minh và xử lý. Do đó, trách nhiệm của Viện KSND tối cao cũng như Viện KSND tỉnh Tây Ninh là phải tiến hành điều tra, xác minh qua những nhân chứng sống ấy. “Còn việc lưu trữ, quản lý hồ sơ là trách nhiệm của nhà nước, không thể vì nhà nước không lưu trữ hồ sơ mà từ chối trách nhiệm đối với người dân khi họ bị oan sai và bị thiệt hại bởi công chức nhà nước gây ra. Và nếu đúng là có oan sai thì nhà nước phải bồi thường, khôi phục quyền lợi cho người bị oan sai”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa khẳng định.
Đủ cơ sở để khẳng định oan sai
Nguyên Phó chánh án TAND tối cao, trung tướng Trần Văn Độ, cho rằng khi Viện KSND tỉnh Tây Ninh xác minh, làm rõ 7 đương sự bị bắt giam oan sai cùng với ông Nguyễn Văn Dũng nhưng họ chưa được nhận quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ bị thất lạc thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải cấp lại quyết định cho đương sự. Trên cơ sở quyết định đình chỉ điều tra đó thì 7 người dân mới có cơ sở yêu cầu bồi thường.
Trao đổi với PV Thanh Niên về vụ việc, nhiều luật sư, chuyên gia pháp luật cũng cho rằng về mặt khách quan, hồ sơ vụ án không còn lưu trữ có thể chấp nhận, nhưng khi đó vẫn còn thể hiện ở sổ theo dõi ngành công an, kiểm sát, sổ ghi nhận phạm nhân ra vào trại tạm giữ, tạm giam… Thậm chí, trường hợp không tìm được giấy tờ pháp lý nào chứng minh việc khởi tố, bắt giam oan sai đối với 7 đương sự thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh không nhất thiết phải khôi phục lại các quyết định tố tụng đối với họ. Hiện tại, 7 đương sự đang khiếu nại thì qua xác minh nhiều nguồn chứng cứ khác, trong đó có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Văn Dũng, nhân chứng sống…. Viện KSND có thể ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với 7 đương sự, nêu rõ họ bị khởi tố, bắt tạm giam không đúng quy định pháp luật, họ không phạm tội. Trên cơ sở được giải quyết khiếu nại thỏa đáng, 7 người còn lại sẽ thương lượng hoặc khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh về yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm của Viện KSND tỉnh Tây Ninh
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM: “Đến thời điểm này, căn cứ vào quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Văn Dũng thì khẳng định vụ án cướp vàng năm 1979 là có thật”. Vì hồ sơ lưu trữ không còn nên đặt vấn đề rộng ra là có quyết định đình chỉ đối với họ nhưng Viện KSND tỉnh Tây Ninh không gửi hoặc chưa có văn bản giải quyết. Vì các bị can này không nhận được bất kỳ văn bản nào của cơ quan tiến hành tố tụng nên Viện KSND tỉnh Tây Ninh, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, có trách nhiệm xác minh, làm rõ, từ đó giải quyết khiếu nại đối với 7 người còn lại. Rằng, có tiếp tục xử lý hình sự đối với 7 người này không; nếu không thì phải có các quyết định khôi phục quyền lợi cho họ và tiến hành giải quyết bồi thường”, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.