Mỗi năm có khoảng 1.600 người nghiện tử vong do sốc ma tuý quá liều

27/06/2018 16:23 GMT+7

Đây là thông tin đáng lo ngại mà Bộ LĐ-TB-XH cho biết tại hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma tuý theo quy định của luật Phòng, chống ma tuý tổ chức sáng nay, 27.6.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) và chất hướng thần.
Đặc biệt, tại một số địa phương, từ năm 2016, tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện cao như Đồng Nai, Đà Nẵng và Trà Vinh có trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.
Ông Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết thêm, nếu như năm 1994 cả nước có 55.445 người nghiện thì đến năm 2014, số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng hơn 3 lần, lên 189.700 người, trung bình tăng 6.400 người/năm. Tại Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2017, trung bình tăng 9.300 người/năm.
Riêng năm 2017, số người nghiện tăng thêm trên 11.000 người. Người nghiện có ở tất cả các địa phương, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Hàng năm, có khoảng 1.600 người nghiện tử vong do sốc quá liều, khoảng 50% người nghiện có vấn đề sức khỏe về tâm thần.
Ông Khánh cho biết: “Trong khi tỷ lệ người nghiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc so với cả nước có xu hướng giảm rõ rệt thì tỷ lệ này ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ ngày càng tăng. Tệ nạn nghiện ma tuý phát triển theo các luồng di cư lao động, đặc biệt là di cư lao động tự do đến các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ và từ đó dịch chuyển trở lại nông thôn”.
Theo ông Khánh, nhiều quy định của luật Phòng, chống ma túy và các luật liên quan chưa cụ thể, chưa rõ ràng, nhiều nội dung phải luật định thì lại được quy định ở văn bản dưới luật, dẫn đến không phù hợp về thể thức, thẩm quyền nên hiệu lực pháp luật không cao. Bên cạnh đó, luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008 vẫn bị giới hạn bởi quan điểm “nghiện các chất ma túy là một tệ nạn”, hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội”…
Thực tiễn cho thấy, nếu áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc cách ly với xã hội trong thời gian quá dài, quản lý thiếu thân thiện sẽ khiến người nghiện sử dụng càng lén lút, tăng nguy hiểm cho chính họ và cộng đồng.
“Chấm dứt việc sử dụng ma túy là mục tiêu lý tưởng nhưng việc giúp người nghiện từ bỏ ma túy là rất khó, tỷ lệ thành công không cao. Những trường hợp bỏ ma túy lâu dài chủ yếu do các điều kiện xã hội tích cực, kiểm soát hành vi tốt. Đến nay, việc cai nghiện ma túy vẫn chưa có đáp số, mục tiêu cai nghiện thiếu thực tế, chính sách không phù hợp, công cụ sử dụng chính sách không hiệu quả”, ông Khánh bày tỏ.
Theo ông Khánh, cần đưa hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” và tình trạng “nghiện ma túy” ra khỏi nội hàm của khái niệm “tệ nạn xã hội”; đồng thời, bổ sung biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế về vấn đề quyền con người.
Nhìn nhận những giải pháp phòng, chống ma tuý của Việt Nam thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao, tiến sĩ Alex Wadak, Chủ tịch Quỹ cải cách chính sách ma tuý Australia, cũng cho rằng, ma túy phải được loại bỏ từ “tệ nạn xã hội” để chuyển sang vấn đề y tế và xã hội. Chính sách nên hướng tới điều trị và giảm tác hại hơn là giữ sạch hoàn toàn…
Trước tình hình ma túy diễn biến phức tạp, bà Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy: tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 tuổi đến 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi.

Kết quả này được điều tra tại 6 tỉnh, thành phố nên không phải là con số đại diện cho cả nước, nhưng cũng phản ánh tương đối chính xác tình hình của cả nước hiện nay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.