Đề nghị xét nghiệm toàn bộ số người sốt, ho, đau họng trên địa bàn Hà Nội
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội sáng 13.4, PGS - TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, góp ý với việc dịch đã xâm nhập ra cộng đồng hiện nay, nếu không có chiến lược xét nghiệm tốt, sẽ không phát hiện ra được các ca bệnh.
“Hiện nay, trên toàn huyện Mê Linh (nơi có ổ dịch Hạ Lôi, đã phát hiện 10 ca dương tính với virus gây bệnh Covid-19 - phóng viên), ai sốt, ho, đau họng sẽ được yêu cầu cách ly tại nhà ngay, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Nếu cách này mà làm được toàn thành phố thì tuyệt vời. Hiện lây nhiễm cộng đồng ở mức nào? Muốn có được bức tranh này thì phải có giám sát", PGS Trần Như Dương khuyến nghị.
Cũng theo ông Dương, toàn thành phố không làm được việc xét nghiệm toàn bộ người sốt, ho, đau họng, thì làm ở bước thấp hơn là phải giám sát toàn bộ chùm ca bệnh (2 người trở lên) có triệu chứng sốt, ho, đau họng không rõ nguyên nhân, có thể trong cùng gia đình, cùng khu phố… mà không cần có yếu tố dịch tễ gì cả.
"Tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp không rõ nguyên nhân đều phải được coi là nghi ngờ về Covid-19, chứ không chỉ nhăm nhăm có yếu tố dịch tễ mới giám sát. Chúng ta phải chuyển hướng và làm rộng rãi hơn”, ông Dương nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Việt Nam nói riêng và Hà Nội nói chung có một thói quen “chết người” là tự trị bệnh; thấy ho, sốt là chạy ra hiệu thuốc và sẽ được bán thuốc ngay, không cần đơn của bác sĩ. Vì thói quen này, hệ thống y tế không giám sát được những ca ho, sốt tại cộng đồng như các nước khác.
Ràng buộc trách nhiệm hiệu thuốc và các cơ sở khám chữa bệnh
Do đó, vào giai đoạn dịch đã lây nhiễm ra cộng đồng, ông Chung chỉ đạo ngành y tế phải thông tin đến tất cả hiệu thuốc trên địa bàn, có bất cứ cá nhân nào mua thuốc cảm, ho, sốt thì phải yêu cầu khai báo y tế ngay lập tức, đồng thời báo cho y tế phường, xã để lấy mẫu xét nghiệm.
“Nếu hiệu thuốc nào để sót các trường hợp trên, không báo cáo, thì sau này phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bởi đây là một nhiệm vụ tham gia công tác phòng, chống dịch, những trường hợp để lọt có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn. Sở Y tế đã có kết nối với 7.000 cửa hàng thuốc này rồi, bây giờ hãy gửi thư thông báo cho họ”, ông Chung yêu cầu.
Ngoài ra, tất cả các phòng khám tư nhân, các trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, khi thấy có các bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì phải lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, không bỏ lọt trường hợp nào.
“Chúng ta đã khuyến cáo tất cả người dân có triệu chứng đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, nhưng khuyến cáo người dân cũng khó, vì họ không có chuyên môn. Bây giờ ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở y tế, hiệu thuốc, bởi vì ít có bệnh, ít nhiều người dân sẽ tìm đến các cơ sở này”, theo ông Chung.
Bình luận (0)