Mong 'xếp cục gạch' ưu tiên sửa luật Đất đai vào năm tới

10/10/2020 17:41 GMT+7

“Năm tới, rất mong chúng ta đột phá về thể chế hơn. Mong "xếp cục gạch” ưu tiên sửa luật Đất đai , vì rất nhiều vướng mắc, kiện tụng thời gian vừa qua”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế kiến nghị.

Phát sinh khiếu nại mới liên quan đến đất đai

Ý kiến này được đưa ra trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế để lấy ý kiến về các báo cáo kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm vừa qua và kế hoạch cho năm 2021 cũng như 5 năm tới.
Trong bối cảnh toàn cầu hết sức bất định vì Covid-19, cạnh tranh nước lớn và xu hướng bảo hộ, các chuyên gia cho rằng đột phá về thể chế là lối ra cho Việt Nam để duy trì tăng trưởng và đạt các mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm.
Vậy liệu năm tới, luật Đất đai có được kịp thời sửa đổi?
Vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 6.10 về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa 14 và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 13 thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng  Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng dành thời lượng cho việc sửa đổi luật Đất đai.
Báo cáo thừa nhận, từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, tình hình đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (từ 2009 đến năm 2013) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại (trên 60%).
Nội dung khiếu nại chủ yếu về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn…
Gần đây phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở.

Sẽ "sửa đổi một cách căn bản, toàn diện", nhưng chưa rõ thời điểm

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Tổng cục Quản lý đất đai đã được giao và hoàn thành xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai.

Thu ngân sách từ đất giai đoạn 2013 - 2019 (nguồn số liệu từ Bộ TN-MT)

Ảnh V.H 

Tuy nhiên, do có văn bản chỉ đạo của T.Ư và Quốc hội về việc cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong luật khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (sẽ diễn ra vào năm sau - PV) cũng như các nghị quyết, kết luận khác của T.Ư, Bộ Chính trị và tiến hành các thủ tục theo quy định để xây dựng dự án luật bảo đảm chất lượng; dự án này đã được rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Hiện nay, Bộ TN-MT đang chủ trì xây dựng và thực hiện dự án Tổng kết thi hành luật Đất đai và xây dựng luật Đất đai (sửa đổi) theo chỉ đạo của Chính phủ và luật sẽ được “sửa đổi một cách căn bản, toàn diện“. Hiện Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành luật Đất đai và sửa đổi luật Đất đai; Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Về định hướng sửa đổi chính sách về đất đai trong thời gian tới, Bộ TN-MT cho biết ngoài sửa đổi luật, cũng đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo cơ chế thị trường, hướng hiệu quả, bền vững; xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường; hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường; giá đất được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó có lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Khắc phục bất cập về cơ chế xác định giá thuê đất trong trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, bảo đảm phù hợp với giá thị trường, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai. Nghiên cứu cơ chế cơ quan tham mưu xây dựng giá đất độc lập với cơ quan thẩm định giá đất.
Thu từ đất chiếm 12 - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm
Theo Bộ TN-MT, số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đã tăng qua các năm cho ngân sách nhà nước.

Đóng góp của đất đai trong tổng thu ngân sách giai đoạn 2013 - 2019 (nguồn số liệu từ Bộ TN-MT và Bộ Tài chính

Ảnh V.H

Cụ thể, năm 2013, thu từ đất là là 54.434 tỉ đồng, năm 2014 là 55.138 tỉ đồng, năm 2015 là 84.810 tỉ đồng, năm 2016 là 115.290 tỉ đồng, năm 2017 là 104.400 tỉ đồng, năm 2018 là 121.400 tỉ đồng, năm 2019 đạt trên 191.500 tỉ đồng.
Có thể thấy nguồn thu từ đất chiếm 12 - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm, trong đó năm 2019 đạt trên 192.000 tỉ đồng, gấp gần 2,5 lần năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.