Mua 'bằng' bác sĩ giá chỉ 3 triệu đồng!

08/09/2020 07:01 GMT+7

'Bằng' bác sĩ, chứng chỉ hành nghề giả được mua bán như rau ngoài chợ. Thậm chí, đầu nậu còn 'bao' cả việc sao y bản chính trót lọt cơ quan công quyền.

“Bằng” bác sĩ giả được rao bán 3 triệu, chứng chỉ hành nghề (CCHN) giá 1,5 triệu đồng. Sau vài ngày, khách có thể trở thành một cử nhân ngành y, hay một bác sĩ có CCHN lâu năm. Trong khi đó, tình trạng sử dụng bằng cấp giả ngành y cũng đã từng bị phát hiện. Đáng nói, bác sĩ dùng bằng giả, phẫu thuật bệnh nhân tử vong ở TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả điều tra xử lý từ các cơ quan chức năng!? 
Mua “bằng” bác sĩ

“Bảng điểm” photocopy giả được sao y bản chính

Ảnh: Trác Rin

Rao bán tràn lan trên mạng

Gõ vài chữ trên Google, khách có thể tiếp cận ngay các “địa chỉ tin cậy” làm bằng cấp giả. Đầu tháng 9.2020, PV Thanh Niên ghi nhận một người đàn ông tên R. (ngụ Q.8) mua “bằng” bác sĩ trên trang lambangsieutoc.com. Trang này quảng cáo: “Chúng tôi sẽ giúp bạn làm bằng đại học giá rẻ, cam kết chất lượng 100% như bằng thật. Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng bằng mang đi công chứng nhà nước, xin việc”.
Khi ông R. gọi vào số 090697235x của trang lambangcapsieutoc.com, thì được một người tự xưng tên Tuấn Tú, chào hàng: “Bằng bác sĩ giả giá 3 triệu đồng. Nếu cần gấp thì 1, 2 ngày là có. Bằng này công chứng sử dụng... bình thường như bằng thật!”.
Vài ngày sau, ông R. nhận được cuộc gọi từ số 090299439x, báo ra địa chỉ đã giao kèo trước đó nhận “bằng” bác sĩ. Lúc này, nam thanh niên (khoảng 30 tuổi), chạy xe máy (BS 59P2 - 896.xx), mặc trang phục của một công ty giao hàng nhanh, đưa “bằng” bác sĩ giả cho khách. Điều đáng nói, ngoài "bằng" bác sĩ đa khoa, còn có cả bảng điểm, bằng photocopy đã sao y bản chính...
Tương tự, trên trang chaybangcacloai.com, cũng quảng cáo “hot” không kém: “Nếu bạn sở hữu 1 tấm bằng đại học hệ chính quy loại giỏi thì công việc kiếm được sẽ có mức lương khá cao và hậu hĩnh. Dịch vụ làm bằng đại học uy tín tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành khác...”.

Nữ bác sĩ 'dỏm' dùng bằng giả làm việc trong ngành y suốt 10 năm trời

Gắn quy định xử lý giấy tờ có dấu hiệu giả mạo để cảnh báo

UBND P.Linh Tây (Q.Thủ Đức, TP.HCM) là đơn vị từng phát hiện nhiều vụ người đến sao y bản chính sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả.
Cụ thể, năm 2019, phường phát hiện 7 trường hợp. Mới nhất, ngày 14.8, khi kiểm tra 1 bằng đại học, 1 bằng cao đẳng để sao y bản chính, cán bộ phường phát hiện nghi vấn nên xác minh, sau đó phát hiện 2 bằng này là giả. Hiện vụ việc đã được chuyển cho Công an Q.Thủ Đức tiếp nhận, xử lý.
“Chúng tôi có máy soi tem để kiểm tra phôi bằng cấp, chứng chỉ. Tuy nhiên, hiện bằng cấp giả được làm rất tinh vi, có loại kiểm tra nhưng phôi tem y như thật. Nên tôi chủ yếu sử dụng… kinh nghiệm để ngăn chặn việc sao y không bị “lọt lưới” tại phường”, cán bộ UBND P.Linh Tây trực tiếp phát hiện vụ bằng giả trên chia sẻ. Trước tình hình này, UBND phường đã gắn bảng quy định về việc xử lý các trường hợp sử dụng giấy tờ văn bản có dấu hiệu giả mạo để sao y nhằm cảnh cáo, răn đe đối tượng.
Với cách giao dịch như trang lambangsieutoc.com, chị B.N (ngụ Q.Thủ Đức) gọi điện thoại đặt hàng: “Tôi muốn làm bằng tốt nghiệp đại học giả của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ngành bác sĩ đa khoa, bên mình có làm được không?”. “Bằng nào cũng làm được hết, giá thị trường 3,5 triệu, giá bên mình 3 triệu đồng là rẻ nhất. Mai mốt có khách giới thiệu, sẽ có... hoa hồng cho bạn. Đảm bảo phôi tem gốc, mộc chữ ký đóng tay, bao công chứng. Nộp vào văn phòng chắc chắn không bị soi”, đầu nậu tự xưng tên Tuấn Phát, tuyên bố chắc nịch. Sau đó, chị B.N đặt mua thêm CCHN, đầu nậu này cho rằng đó là… chuyện nhỏ. Chứng chỉ giá 1,5 triệu đồng, cũng bao công chứng, so sánh với “hàng” thật, đố ai biết được đó là giả…
Sau khi nhận “bằng” ĐH Y Dược TP.HCM giả, đầu nậu còn in cả bảng điểm với các mức điểm khá cao, khuyến mãi thêm 2 tấm bằng, 2 bảng điểm photocopy đã sao y bản chính được in mộc đỏ của Phòng Tư pháp Q.Thủ Đức (TP.HCM).

Dễ dàng “lọt lưới”

Trong khi đó, khi liên hệ với một số văn phòng công chứng trên địa bàn TP.HCM, PV Thanh Niên đều nhận được câu trả lời chung: Không có thiết bị để phân biệt, nhận biết bằng cấp giả hay thật.
“Khi sao y bản chính, công chứng các giấy tờ liên quan, nhân viên chỉ kiểm tra bằng… kinh nghiệm, với mắt thường thôi. Nếu văn bản, giấy tờ không có dấu hiệu giả sẽ được chứng nhận bình thường. Riêng bằng cấp các trường đại học, thì có rất nhiều trường, nên không thể kiểm tra được giả hay thật. Muốn kiểm tra, chỉ xác minh ở nơi cấp mới biết”, nam nhân viên của Văn phòng công chứng B.T (Q.1, TP.HCM) cho hay.
Mua “bằng” bác sĩ giá chỉ 3 triệu đồng !

C02 Bộ Công an thu giữ tang vật hàng trăm con dấu giả

Ảnh: CTV

Còn việc “soi” bằng cấp ở UBND phường thì thế nào? PV đặt câu hỏi với một lãnh đạo phường đang công tác ở Q.1: “Nếu có trường hợp mang bằng cấp, giấy tờ giả… vào UBND phường sao y bản chính, có cách gì để phát hiện?”. Vị này trả lời: “Hiện nay, các loại bằng cấp, giấy tờ giả được làm rất tinh vi, nhìn giống y như thật. Rất khó để phát hiện, chỉ có cái nào làm… cẩu thả, thì nhìn mới phát hiện được. Còn làm giống y chang thì không thể nào phát hiện được. Hơn nữa, cán bộ phường chỉ nhìn bằng mắt, chứ không có thiết bị gì hỗ trợ, nên cái này rất khó”.
Vị cán bộ này cho biết thêm, trong quá trình công tác, ông cũng chưa phát hiện trường hợp người sử dụng bằng cấp giả đến sao y bản chính tại phường. Đáng chú ý, một số vụ sử dụng bằng cấp, điển hình là “bằng” bác sĩ giả khi bị phát hiện, đơn vị chủ quản cho rằng khi nộp hồ sơ ứng tuyển, đối tượng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ hành nghề photocopy sao y bản chính, nên hợp lệ và nhận vào làm, còn bằng giả hay thật thì chỉ đến khi nghi vấn, mới tìm cách xác minh ở đơn vị cấp bằng. Cuối cùng mới “lòi” ra sự thật động trời.

Cận cảnh lượng lớn bằng cấp, sổ hồng, biển số xe... giả vừa bị công an thu giữ

Hàng chục ngàn bằng cấp giả tiêu thụ trên thị trường

Vừa qua (26.8.2020), Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an triệt phá đường dây “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức”, bắt giữ 16 nghi can, trong đó Nguyễn Trọng Dương (30 tuổi, ngụ Nghệ An) cầm đầu. Các loại giấy tờ giả đường dây này sản xuất và tiêu thụ từ bằng bác sĩ, tốt nghiệp đại học, trung học... cho đến giấy chứng nhận nhà đất với giá từ 3 - 10 triệu đồng/cái. Theo C02, ước tính hàng chục ngàn giấy tờ giả đã được tiêu thụ trên thị trường.
Trước đó, tháng 7.2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cũng khám phá ổ nhóm làm giả hàng ngàn con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức do Hồ Ngọc Quang (ngụ Gò Vấp) cầm đầu. Đáng chú ý, bọn chúng làm giả các chứng chỉ hành nghề y, luật sư; bằng đại học y dược, giấy tờ nhà đất, hộ khẩu…
Theo lời khai của Quang, từ năm 2017, Quang mua máy móc, thiết bị để phục vụ việc chế tạo con dấu, phôi bằng giả. Quang tự chế tạo, in phôi bằng, giả mạo chữ ký, trực tiếp đóng dấu vào các loại giấy tờ giả. Tính đến khi bị bắt, Quang đã làm giả hơn 1.500 bộ giấy tờ, tài liệu của nhiều cơ sở giáo dục; mỗi văn bằng, chứng chỉ giả bán cho các “đại lý” cấp dưới với giá 500.000 - 1,5 triệu đồng, sau đó các “đại lý” sẽ bán cho khách hàng với giá từ 2 - 6 triệu đồng/cái.
Ngọc Lê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.