Đó là nhận định của ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN - PTNT) đưa ra tại hội nghị bàn giải pháp xả lũ, đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện ở các tỉnh phía Bắc diễn ra tại Hà Nội sáng nay 14.7.
Thống kê của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, từ tháng 6 đến nay ở nhiều tỉnh phía Bắc đã có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt ghi nhận ở một số nơi có mưa rất lớn như tại Hà Giang: mưa tại Bắc Quang lên tới 1.987 mm; tại Việt Lâm mưa đạt 1.584 mm. Còn tại Nậm Ty (Hà Giang) có mưa lớn 910 mm, tại Tam Đường (Lai Châu) mưa tới 902 mm; Thổ Bình (Tuyên Quang) có mưa 763 mm... Hiện tại, các tỉnh phía Bắc chưa vào thời kỳ lũ chính vụ nhưng mưa lớn khiến mực nước ở hồ chứa cao hơn mức so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt ở các hồ thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình đến ngày 13.7, mực nước còn dưới mực cho phép nhưng đã cao hơn mực nước phải duy trì trước thời kỳ lũ chính vụ.
tin liên quan
Thủy điện Tuyên Quang xả lũ, người nuôi cá thiệt hại 6 tỉ đồngNăm hộ dân nuôi cá đặc sản trên sông Gâm bị thiệt hại tổng cộng 6 tỉ đồng khi Nhà máy thủy điện Tuyên Quang xả lũ.
Trước kiến nghị cân nhắc xem xét xả lũ ở hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Phó giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Công Hàm, cảnh báo nhìn từ thiệt hại khi xả lũ thuỷ điện Tuyên Quang vừa qua thì có thực trạng, cả người dân và chính quyền địa phương còn thờ ơ, chủ quan với cảnh báo xã lũ. Khi kiểm tra thực tế, thuỷ điện xả đúng quy trình, người dân và chính quyền địa phương đã được thông báo trước nhưng vẫn chủ quan trong phòng chống lũ. Ông Hàm lưu ý, thời gian thông báo trước khi xả lũ ở Tuyên Quang vừa qua chỉ trước 2 tiếng không đủ để người dân di chuyển lồng bè dẫn tới thiệt hại. Nếu có xả lũ ở hồ thủy điện Sơn La, Hoà Bình thì phải thông báo sớm hơn.
Theo GS-TS Hà Văn Khối, chuyên gia ngành thủy lợi, tâm lý chủ quan của người dân và chính quyền do nhiều năm nay không có lũ lớn. Mực nước sông thấp khiến các hoạt động dân sinh rất sôi động, tấp nập nên nếu có xả lũ cấp tập sẽ gây thiệt hại lớn. Bày tỏ quan điểm xả lũ đưa về quy trình phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du nhưng theo GS-TS Hà Văn Khối, các cửa xả phải mở từ từ kết hợp với thông tin đến người dân, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vận tải, khai thác cát vùng hạ du.
Ông Trần Quang Hoài, cũng nhấn mạnh thiệt hại khi xả lũ ở Tuyên Quang vừa qua là do chính quyền địa phương còn tâm lý chủ quan trong chỉ đạo người dân trong ứng phó nên khi vừa xả lũ đã có thiệt hại. Đây là vấn đề các địa phương phải rút kinh nghiệm nếu có xả lũ ở thủy điện Hoà Bình, Sơn La, chủ động xả lũ mà gây thiệt hại thì rất khó giải thích với người dân.
Cũng theo ông Trần Quang Hoài, tuỳ theo tình hình thực tế sẽ quyết định xả lũ trong những ngày tới. Trong tình huống có xả lũ, Ban chỉ đạo T.Ư phòng chống thiên tai sẽ có thông báo trước 6 tiếng để ứng phó.
“Nhưng ngay từ bây giờ, chính quyền các địa phương phải tuyên tuyền, thông báo đến người dân có thể phải xả lũ ở thủy điện Sơn La, Hoà Bình không để tâm lý chủ quan dẫn tới thiệt hại khi buộc phải xả lũ”, ông Hoài nói.
Bình luận (0)