Xe

Mưa lũ dồn dập nhất trong 10 năm qua khiến 20 người chết, 12 người mất tích

11/10/2017 15:32 GMT+7

Tính đến 13 giờ chiều nay (11.10), mưa lũ đã làm 20 người chết, 12 người mất tích. Đợt mưa lũ này được đánh giá là dồn dập nhất trong 10 năm qua.

Chiều nay (11.10), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn phòng chống lụt bão tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình rất nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn hồ đập và tính mạng người dân. Lần đầu tiên, hồ Hoà Bình liên tục phải mở 8 cửa xả đáy.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 13 giờ chiều nay, mưa lũ đã làm 20 người chết. Trong đó, Thanh Hoá 3 người, Nghệ An 8 người, Sơn La 5 người và Hoà Bình 4 người. Ngoài ra có 12 người mất tích, trong đó Yên Bái 4 người, Hoà Bình 1 người, Thanh Hoá 3 người, Sơn La 3 người, Quảng Trị 1 người. Mưa lũ cũng đã làm 5 người khác bị thương.
Có 81 ngôi nhà bị sập, nhiều nhất là Sơn La với 64 ngôi nhà, hơn 3.120 ngôi nhà bị ngập và 135 nhà phải di dời khẩn cấp tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình và Sơn La.
Một phóng viên bị lũ cuốn ở Yên Bái
Theo thông tin của Thanh Niên, trưa nay (11.10) lũ cuốn trôi mố cầu Thia ở Yên Bái đã khiến 1 phóng viên thường trú của Thông tấn xã tại tỉnh này bị cuốn trôi.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, cho biết 3 ngày tới sẽ có không khí lạnh kết hợp hoàn lưu nên vẫn có mưa. Dự báo, trong 12 giờ tới lượng mưa đạt khoảng 50 - 100 mm khu vực chủ yếu tại nam Sơn La, bắc Nghệ An. Vùng trọng tâm mưa Hoà Bình, Thanh Hoá, mưa dự kiến cấp tập từ nửa đêm nay sáng mai (12.10).
Dự báo,lưu lượng nước đến hồ Hoà Bình trên sông Đà, trong 6 giờ tới (tính đến 19 giờ 11.10) lưu lượng sẽ lên mức 17.000 m3/s (trên báo động 3 là 4.000 m3/s), sau đó có thể giảm dần 10.000 m3/s (báo động 2). Từ 12 đến 24 giờ tiếp theo, mực nước hồ Hoà Bình sẽ giảm xuống dưới 6.000 m3.
Dự kiến, chiều và đêm nay (11.10), mực nước sông Hồng sẽ lên 6 - 7 m, dưới mức báo động 1, sáng 12.10 sẽ tăng lên khoảng 10 m, trên báo động 1 khoảng 0,5 m.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là đợt mưa lũ bất thường nhất trong 10 năm trở lại đây - Ảnh Mai Hà
Tuy nhiên, lũ trong ngày 12.10 trên sông Mã dự báo sẽ trên báo động 3, tương đương mức lũ lịch sử năm 1980 và 2007 (xảy ra sự cố vỡ hồ Cửa Đạt). Cấp độ thiên tai giữa cấp 3, có thể nâng lên cấp 4 trên hệ thống sông Mã.
Mưa dồn dập nhất trong lịch sử 10 năm qua

Bộ trưởng Cường cho biết, lượng mưa ngày 9.10 rất đặc biệt kết hợp 2 hoàn lưu kép tạo nên diện mưa rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, vì thông thường tháng 10 rất ít mưa tại khu vực này, đây là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu rất khôn lường. Mưa có nơi gấp rưỡi, gấp đôi lượng mưa bình quân, sáng sớm 10.10 mưa tại Mường La (Sơn La), Yên Bái và Lai Châu gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Ngoài ra, 2.984 hồ từ Hà Tĩnh trở ra cơ bản đầy nước, với lượng mưa này khoảng 20% số hồ tràn. Cảnh báo thiên tai đây là đợt lớn nhất trong nhiều năm về dạng hình mưa lũ lớn. Mưa cấp tập trong 2 ngày nên các con sông đều ở báo động 2 - cấp  3.

"Lịch sử 10 năm nay chưa bao giờ hứng chịu mưa lớn dồn dập như vậy, như hồ Hoà Bình chỉ 2 ngày nước về tới 15.000 m3. Rất may, lượng mưa tạm dừng ngày mai, nếu không dung tích cắt lũ không còn. Điều hành các đơn vị rất hiệu quả, nhưng tình hình rất nguy hiểm vì lượng nước vào hồ Hoà Bình và Sơn La vẫn còn rất cao", ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho rằng, 31 hồ thuỷ điện rất quan trọng, phải đảm bảo cao nhất an toàn công trình, cũng như tình huống xấu nhất cho đón lũ và cắt lũ.

Đảm bảo người dân không bị đói

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc quyết liệt ứng phó đã giảm thiểu phần nào, nhưng mưa lớn cấp tập vẫn gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và nhà cửa. Nếu đợt không khí lạnh sắp tới gây mưa to lũ lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng khu vực Trung bộ và Bắc Trung bộ nênphải chủ động ứng phó.

Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan tập trung, chủ động phòng chống, tìm kiếm người mất tích, động viên thăm hỏi các gia đình, hỗ trợ kịp thời lương thực, thuốc men đảm bảo người dân không bị đói, phát sinh dịch bệnh; tiếp cận các khu dân cư đang bị cô lập để sơ tán người dân; đảm bảo an toàn vận hành các công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện...

Những hồ thuỷ lợi có chất lượng kém, nguy cơ vỡ phải rất chủ động, đặc biệt các hồ nhỏ, xây dựng từ lâu; 31 công trình hồ thuỷ điện yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng kiểm tra rà soát thường xuyên cũng như đảm bảo an toàn lưới điện, Bộ Giao thông vận tải khắc phục sự cố các công trình giao thông, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.