Thuốc tây được chứa trong bọc ni-lông, rổ nhựa để bán cho người đi chợ mua về trị… bá bệnh. Khỏi cần toa thuốc của bác sĩ, bên mua và bên bán trao đổi đơn giản như bó rau, con cá.
Thấy tôi đứng tần ngần và đưa tay ôm bụng, bà N.T.H.B, chủ sạp thuốc tây ở chợ Tình Giang (thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) ngoắc lại và “tiếp thị”: Cậu lại đây tôi bán thuốc cho mà uống. Ở đây có đủ thứ loại như: Paracetamol, Ganidan, Bisepton, Acodine, Terpicod, Vitamin C...
Tôi giả vờ hỏi mua thuốc trị tiêu chảy, loay hoay một hồi trên những khay nhựa đủ màu sắc, bà B. lấy cho tôi 2 liều thuốc, gồm: Tetracyclin, Loperamide,
Spasmaverme và Bisepton… với giá 7.000 đồng. Khi chúng tôi hỏi, thuốc này dùng trước bữa ăn hay sau bữa ăn thì bà B. nói: “Cậu muốn uống trước bữa ăn hay sau bữa ăn cũng được”.
Trong khi chờ chúng tôi trả tiền, bà B. liên tục đưa tay bốc thuốc cho một vài người đi chợ ghé vào. Thậm chí một cô bé khoảng chừng 15 tuổi, chạy lại kêu đau mắt, bà B. cũng nhanh tay lấy chai thuốc nhỏ mắt (không rõ loại gì) bỏ vào bịch xốp đưa cho cô bé, rồi nhận tiền mà không hề hỏi thăm xem thử cô bé ấy đau thế nào hay đau lâu chưa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, Trưởng trạm y tế xã Phước Hiệp, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã chỉ có một cơ sở kinh doanh thuốc tân dược ở thôn Lục Lễ là được phép hoạt động. Còn việc kinh doanh thuốc tại chợ Tình Giang thì chúng tôi không quản lý được”.
Không riêng tại chợ Tình Giang, tại chợ Xổm ở xã Phước Lộc (cách trung tâm huyện lỵ Tuy Phước chưa đến 2 km) chúng tôi cũng mua được hơn 10 viên thuốc cảm cúm các loại và cũng theo một công thức tương tự như ở chợ Tình Giang.
Một dược sĩ có thâm niên cho biết: “Thuốc tây là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ được bán tại hiệu thuốc được ngành chức năng cấp phép. Nếu thuốc tây được bán từ các tiệm tạp hóa hay sạp tại chợ và do những người không có chuyên môn về dược tự kê đơn, sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh, có thể gây hậu quả: nhẹ thì dị ứng, nặng thì suy tủy, suy thận, điếc, thậm chí thiệt mạng”.
Trong khi đó, mẫu số chung của câu hỏi “Tại sao không vào trạm y tế xã hay trung tâm y tế huyện để khám và được điều trị cho an toàn” mà chúng tôi đặt ra đối với những người dân đến mua thuốc tại các chợ này là: “Ối dào, chỉ cảm xoàng thôi. Cả gia đình tôi cũng thường ra đây mua thuốc uống và đều hết bệnh chứ thấy có sao đâu, vào các nơi đó chỉ tốn công chờ đợi”.
Phó phòng Y tế huyện Tuy Phước, bà Cao Hoàng Mộng Tiên, cho biết: “Phòng y tế huyện đã thành lập đoàn kiểm tra và nhắc nhở các sạp bán thuốc ở một số chợ nhưng khi đoàn kiểm tra ra về thì đâu lại vào đấy”. Có lẽ, với tình trạng mua bán thuốc như mua… kẹo ở các chợ quê, biện pháp nhắc nhở không đủ sức răn đe, mà ngành y tế và chính quyền địa phương cần có các biện pháp xử lý triệt để, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân và tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Q.Long
Bình luận (0)