H.Lộc Ninh (Bình Phước) là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng với Campuchia. Khu vực giáp ranh với nước bạn hiện có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống với người Kinh. Họ làm đủ thứ nghề: từ câu cá, chăn trâu đến cạo mủ cao su để bám trụ nơi biên giới hẻo lánh.
“Xuất ngoại”... chăn trâu
|
Trưởng ấp 8C (xã Lộc Hòa) Điểu Thêu, 36 tuổi (dân tộc S’tiêng), vẫn thường dắt đàn trâu... “xuất ngoại” qua Campuchia ăn cỏ. Vùng biên ở đây vắng nên những cư dân bám ruộng đồng quá quen mặt với lực lượng biên phòng cả hai nước. “Nhà mình có bốn con trâu. Mình chăn trâu thôi chứ không làm chuyện bậy bạ nên qua lại biên giới không ai nói gì đâu”, anh Thêu thật thà.
Trưa trưa, anh Thêu lái xe máy đi hái lá keo cho dê ăn. Vợ anh làm thuê cỏ dưa kiếm 160.000 đồng/ngày trang trải tiền chợ búa và nuôi hai con trai học tiểu học. “Đàn trâu là của để dành trong nhà mình. Mùa mưa bà con cấy cày, lên mạ non nên nhà nhà dắt trâu ra đường biên giới, có khi trâu qua luôn nước bạn tìm cỏ. Những lúc ấy, người chăn phải theo sát lũ trâu, kẻo chúng phá hoại hoa màu của người Campuchia thì phiền to”, anh Thêu kể.
|
Đang giục đứa cháu nội 6 tuổi đi nhanh kẻo đàn trâu lạc mất, ông Điểu Bội, 60 tuổi (ở ấp 8C) bảo ngày chủ nhật mới dắt thằng nhỏ ra đồng. Mưa gió nhưng Điểu Phụng vẫn cười, ríu rít theo ông đi tuốt ngoài đồng xa. “Mình đi chăn trâu xa lắm, ngày lội bộ chắc cũng vài chục ki lô mét nên mang cơm theo ăn luôn. Cả đàn trâu 10 con, chỉ khi nào kẹt lắm mình mới bán bớt”, người đàn ông dân tộc S’tiêng đã hai thứ tóc cho hay.
Hằng ngày ông Bội lùa trâu qua tận nước bạn ăn cỏ. Ông có thể giao tiếp được với người Khmer, vả lại sống hơn nửa đời ở xứ này, ai chẳng quen mặt mà bắt bớ một ông già chăn trâu “xuất ngoại”.
“À mình đem thêm bao bố để hốt phân trâu nữa. Trung bình mỗi năm mình bán phân trâu cho người ta cũng trên dưới 6 triệu đồng lận đó”, ông Bội nói rồi gấp gáp đuổi theo đàn trâu, cùng đứa cháu khuất dần giữa mênh mông ruộng đồng...
“Đom đóm” giữa đêm
|
1 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Thành, 60 tuổi, ngụ xã Lộc Thạnh, H.Lộc Ninh cùng vợ Trần Thị Châu, 55 tuổi, cần mẫn cạo hết 500 gốc mủ cao su. Hai vợ chồng quê gốc Huế, vào Bình Phước tha phương cầu thực hồi mới đôi mươi. Mấy ngày nay, từ hôm bà Châu bị té khi lái xe xui rủi tông phải con chó chạy ngang đường, công việc chỉ mình ông Thành đơn thân độc mã. “Bị mấy bữa rồi, nhức lắm nhưng hôm nay ráng phụ ổng”, bà Châu chân cà nhắc nặng nề rê từng bước.
Với con dao sắc lẹm, chỉ cần vài thao tác bà Châu đã bóc xong một lớp vỏ mỏng dính ở thân cây. Mủ từng giọt chảy xuống chén đựng. Bà Châu làm nghề trên dưới 20 năm nay, trước làm cho công ty nhà nước, sau này mới ra cạo cho tư nhân. “Nhìn vầy chứ không dễ đâu, “trật khớp” một xíu mủ không chảy giọt nào đó”, bà Châu cho biết.
2 giờ 30 sáng, vợ chồng xong việc rồi xuyên rừng về nhà. Tới nơi, bà Châu lục đục xuống bếp bới miếng cơm cho chồng đem theo tiếp tục cạo mủ ở một lô cao su khác. Bà tháo ủng, tay khều vào bàn chân đã bọng mủ, sưng tấy cả lên. Nhìn vợ, ông Thành “mắng” bà không chịu ở nhà mà cứ đòi đi theo. Ông trách nhẹ nhàng bằng giọng Huế đặc trưng rồi chất thùng nhựa lên xe máy tiếp tục lên đường.
Sau mấy chục phút “xé rừng”, dựng xe đâu vào đấy, ông Thành nói sẽ “giải quyết” 500 gốc cao su nữa. Mà bữa nay chưa ăn nhằm gì, chuyện ông đi làm tuốt trong rừng sâu, sát đường biên giới nơi chỉ có gió sương heo hút là bình thường. “Phải làm nhiều mới đủ tiền trang trải cho cả nhà. Cơm có sẵn đói xúc ăn, buồn ngủ quá thì cột võng chợp mắt một chút rồi làm tiếp”, ông Thành cười nhẹ tênh.
Nhà năm người con nhưng chỉ ba đứa học chữ. Hai đứa con lớn của ông hiện ở TP.HCM làm công nhân. Mà từng đó thôi cũng khiến hai vợ chồng vò đầu bứt tai những đêm trời mưa, ế việc. Với ông, chỉ sợ con cái không có chí học hành, dù khó khăn đến mấy ông và vợ cũng lo. “Thời nay ai lại bắt tụi nhỏ “ăn rừng, nằm rừng” như mình. Vậy nên tui đang ráng cạo nhiều cao su nuôi ba đứa còn lại ăn học, và mong tương lai chúng sẽ sáng hơn...”, ông Thành bỏ lửng câu nói rồi lụi hụi đi ngủ, đêm mai còn có sức mà làm.
Mướn gì làm nấy để con có cái chữ
Vợ chồng người dân tộc S’tiêng, anh Điểu Lợi (39 tuổi) và chị Thị Pleng (35 tuổi), cạo mủ cao su kiếm khoảng 400.000 đồng/ngày. Mùa nắng ráo còn đỡ chứ trời mưa là... ế. Chưa kể chuẩn bị xuân tới, cao su rụng trụi lá cũng là lúc thợ cạo mủ thất nghiệp. Khi ấy hai vợ chồng lại lọ mọ khắp nơi hỏi ai cần mướn gì làm nấy. Cũng may nhà sát biên giới, tới mùa tết hàng hóa tấp nập, Điểu Lợi có thêm nghề bốc vác ở Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
“Con lớn mình tên Điểu Nhật đang học lớp 11 nội trú ngoài trung tâm H.Lộc Ninh, một tháng mới về thăm nhà một lần. Năm nào nó cũng có giấy khen hết đó. Vợ chồng mình làm lụng miết trong rừng chẳng mong gì hơn ngoài việc thấy con có cái chữ, sau này đỡ cực hơn mình”, mắt anh Lợi sáng lên khi nhắc đến con.
|
Bình luận (0)