Nêu cao tinh thần cách mạng để đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí

06/01/2006 00:16 GMT+7

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946 - 6/1/2006), Báo Thanh Niên đã gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Văn Trân, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội về Quốc hội những ngày trứng nước cũng như những ghi nhận của cá nhân ông về hoạt động Quốc hội ngày nay. Ông Trân nhớ lại:

Cuộc tổng tuyển cử  năm ấy diễn ra tràn đầy phấn khởi và được tổ chức rất chu đáo. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu của các đảng phái khác nhau; 43% đại biểu không đảng phái. Ngay tại kỳ họp thứ nhất (2/3/1946), Quốc hội đã bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp và tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã dành 7 ngày (từ 2/11-9/11) để thảo luận sửa đổi, bổ sung từng điều cụ thể trong bản dự thảo này. Hiến pháp năm 1946 được thông qua với sự nhất trí rất cao (240/242 đại biểu có mặt). Bản Hiến pháp năm 1946 chú trọng đặc biệt đến việc bảo đảm quyền lợi dân chủ của nhân dân: có một chương riêng về định chế công dân, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được bảo đảm các quyền tự do: ngôn luận, xuất bản, tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng và tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài... Đây cũng là lần đầu tiên phụ nữ được ngang quyền với nam giới trên mọi phương diện.

* Bài học từ cuộc bầu  cử Quốc hội đầu tiên này là gì, thưa ông?

- Đó chính là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại biểu được bầu có đủ các tầng lớp nhân dân, từ miền xuôi đến miền ngược, trong Đảng, ngoài Đảng, các giới tôn giáo. Quốc hội khóa I cũng có rất đông các nhà tư sản, các trí thức, văn nghệ sĩ. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã thể hiện ý chí, quyết tâm và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền nhân dân, đồng thời cũng phản ánh sự tin tưởng của Đảng đối với quần chúng cách mạng lúc bấy giờ.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: đại biểu Quốc hội là do dân bầu ra, đại diện quyền lực của nhân dân và là đầy tớ của nhân dân. Theo đánh giá của ông, Quốc hội của chúng ta đã thể hiện tư tưởng này của Bác đến mức độ nào?

- Quốc hội ngày nay vẫn triệt để theo tư tưởng dân chủ. Thứ nhất, đại biểu Quốc hội được cơ cấu đủ các tầng lớp nhân dân, đủ các vùng miền; thứ hai, mọi ý kiến của nhân dân đều được Quốc hội nghiên cứu và tiếp thu. Song theo đánh giá của tôi, việc tiếp thu ý kiến của nhân dân trong nhiều lĩnh vực chưa được đầy đủ lắm, cần phải mở rộng hơn nữa. Nghe ý kiến đồng tình là tốt nhưng ý kiến trái chiều cũng phải được xem xét, không thể bỏ qua. Về khía cạnh này thì tôi cho rằng yếu tố dân chủ chưa được đề cao lắm, phải tiếp tục cải thiện hơn nữa.

* Thưa ông, là đại diện cho quyền lực của nhân dân nên việc gần dân của các đại biểu rất quan trọng. Theo ông, Quốc hội gần đây đã đạt yêu cầu này chưa?

- Quốc hội trước đây, tôi muốn nói đến những khóa đầu tiên, gần dân hơn nhiều so với thời bây giờ. Trước đây, thường thường những đại biểu được bầu ra từ cơ sở, tận địa phương, họ làm việc, sinh hoạt cùng người dân nên dễ dàng hiểu công việc, tâm tư nguyện vọng của người dân. Chẳng hạn, đại biểu của nông dân chính là những người nông dân, đại biểu công nhân thì ở ngay trong nhà máy, công xưởng... Còn bây giờ đại biểu chủ yếu là kiêm nhiệm,  bận nhiều việc nên ít có điều kiện đi sâu, sát phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Rồi cũng có khi, đại biểu biết nguyện vọng của dân nhưng không giải quyết được vì muốn vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan hành pháp.

* Ông mong muốn gì ở Quốc hội hiện nay?

- Tuổi của đại biểu hiện nay đã được trẻ hơn nhiều, điều đó là rất tốt nhưng phải cần trẻ hóa hơn nữa. Các khóa gần đây, nhiều doanh nhân tham gia Quốc hội. Trong tương lai, đối tượng này nên được mở rộng để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế đất nước. Có một điều tôi cứ băn khoăn là so với các khóa Quốc hội đầu tiên thì đại biểu Quốc hội ngày nay có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật... đều cao hơn nhưng tinh thần đấu tranh cách mạng có vẻ không bằng. Trước đây, chúng tôi nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng hòng đánh đuổi thực dân, đế quốc, đấu tranh với đói nghèo thì bây giờ càng phải nêu cao tinh thần ấy để đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí mới phải.

* Xin cảm ơn ông!

Tuyết Nhung
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.