"Con, cháu sẽ không còn nhiều cơ hội nhìn thấy chúng nữa"
Những hình ảnh về người phụ nữ ngang nhiên xẻ thịt rùa xanh và bán số thịt rùa này cùng với các con cá khác giữa chợ ở Kiên Giang đang được chia sẻ mạnh mẽ trong các diễn đàn bảo vệ động vật hoang dã.
Trên Facebook cá nhân anh Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời là quản trị viên trang Sinh vật rừng Việt Nam vncreatures.net cũng chia sẻ những hình ảnh công khai xẻ thịt rùa xanh bán ở chợ Kiên Giang. Anh Trung viết: “Rùa xanh là loài động vật quý hiếm - nguy cấp - Endangered được bảo vệ tại Nghị định Nghị định 32/2006/NĐ-CP, Nghị định 06/2019/NĐ-CP và 160/2013/NĐ-CP và Sách đỏ Việt Nam. Nhưng việc đánh bắt, buôn bán diễn ra hết sức công khai như thế này thì chắc chắn rằng con, cháu chúng ta sẽ không còn nhiều cơ hội nhìn thấy chúng nữa”.
|
Anh Đoàn Minh Chí, quản trị fanpage Diễn đàn phi lợi nhuận cũng đăng tải lại bài viết của anh Trung, mong muốn cộng đồng cùng lên tiếng phản đối hành động xẻ thịt rùa xanh nói riêng, giết thịt, mua bán, trao đổi động vật quý hiếm nói chung.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Phùng Mỹ Trung cho biết là một nhà làm về đa dạng sinh học, đồng thời tham gia cộng đồng các tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã, bên anh có 5.000 tình nguyện viên ở khắp cả nước, cập nhật những tin tức liên quan vấn đề của động vật hoang dã. Theo anh Trung, hình ảnh người phụ nữ công khai xẻ thịt rùa xanh và bán ngang nhiên giữa chợ ở Kiên Giang được các tình nguyện viên chụp lúc 7 giờ 28 phút sáng nay tại chợ phường Pháo Đài, TP.Hà Tiên.
Anh Phùng Mỹ Trung cho phóng viên Báo Thanh Niên hay: “Ngay sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã liên lạc với cơ quan chức năng. Ngay lập tức, trong sáng nay, người phụ nữ công khai xẻ thịt rùa bán ở chợ đã bị bắt. Cơ quan chức năng thu giữ ở hiện trường 12,5 kg thịt rùa, đang tiếp tục điều tra".
Chê súp dơi của Trung Quốc, còn nhiều người Việt đang ăn thịt rùa!
Thực tế ở nhiều nơi, việc giết thịt rùa biển, mua bán rùa biển diễn ra công khai. Báo Thanh Niên từng có loạt phóng sự truyền hình về đường dây mua bán rùa biển ngay ở TP.HCM. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ở Phú Quốc (Kiên Giang)… nhiều thanh niên giết thịt rùa biển và khoe hình ảnh trên mạng xã hội như khoe chiến tích. Nhiều người trẻ giận dữ: “Tại sao con người dã man quá, con vật gì cũng giết hại, cũng ăn thịt”.
Còn trước thực tế dịch viêm phổi Vũ Hán đang là mối lo của cộng đồng, một bạn trẻ lên tiếng: “Giữa dịch corona, nhiều người bày tỏ phẫn nộ với món súp dơi của người Trung Quốc, nhưng chúng ta ăn cả thịt rùa, cũng man rợ không kém”.
Theo thông tin anh Phùng Mỹ Trung, rùa xanh, tên khoa học là Chelonia mydas, họ Vích Cheloniidae, bộ Rùa biển Testudines. Ở trong nước, rùa biển phân bố từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, có nhiều ở Vườn quốc gia Côn Đảo, Vườn quốc gia Núi Chúa và Trường Sa. Rùa biển là động vật hấp dẫn khách du lịch, được chú ý trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Trước năm 1975 nguồn lợi rùa xanh ở nước ta rất phong phú, và là loài có kích thước lớn nhất trong họ Vích Cheloniidae nhưng do bị săn bắt ráo riết, bằng nhiều hình thức mang tính huỷ diệt và còn do tình trạng ô nhiễm ở một số vùng nước ven bờ tăng lên, nên từ năm 1975 đến nay, nguồn lợi này bị suy giảm nghiêm trọng. Dự đoán số lượng giảm ít nhất 50%, số lượng quần thể dưới 2.500 cá thể trưởng thành.
Các điều luật liên quan đến việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã có trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Cụ thể Điều 244 quy định các hành vi mua bán, tàng trữ và vận chuyển các sản phẩm từ động vật nguy cấp, quý hiếm tuỳ theo mức độ nghiêm trọng, có thể khiến các cá nhân bị kết án lên đến 15 năm tù và các pháp nhân thương mại có thể bị phạt đến 15 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)