Nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân

30/12/2017 08:12 GMT+7

Ngày 29.12, tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư và Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”.

Đến dự có các ông: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo T.Ư, TP.HCM, tỉnh thành và bộ, ban ngành.
Ra đòn bất ngờ làm địch choáng váng
Hơn 100 tham luận được gửi tới hội thảo. Trong đó đáng chú ý là tham luận của Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước, do ông Lê Mạnh Hà (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, con trai đại tướng Lê Đức Anh) đọc tại hội thảo. Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định cuộc tổng tiến công và nổi dậy đi vào lịch sử cách mạng VN. Nhưng cho đến bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu quân sự, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ vẫn cố tìm hiểu bằng cách gì mà cách mạng VN triển khai được lực lượng trên diện rộng toàn miền Nam. Bằng cách gì mà cuộc tổng tiến công đồng loạt nổ súng tấn công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà vẫn giữ được tuyệt đối bí mật. Lúc đó, T.Ư Cục gọi riêng từng bí thư tỉnh ủy lên giao nhiệm vụ, căn dặn, “hiệp đồng”; và như vậy, mỗi tỉnh chỉ duy nhất một người biết rõ “giờ G, ngày N” - thời điểm nổ súng tiến công.
Cuộc tổng tiến công táo bạo đã làm bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ sững sờ, choáng váng. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của địch, tất cả thành phố, tỉnh lỵ mà trước đó hầu như đứng ngoài cuộc chiến, bất ngờ bị tấn công đồng loạt. Các mục tiêu quan trọng nhất, từ Bộ Tổng tham mưu đến Biệt khu Thủ đô, từ Dinh Tổng thống đến Tòa Đại sứ Mỹ đều bị đánh phá. Trong đợt đầu tiên, quân cách mạng đã ra đòn bất ngờ và đánh trúng vào "hệ thần kinh trung ương" của địch, làm cho Nhà Trắng bàng hoàng...
Bài học về nghệ thuật quân sự
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam có ý nghĩa thắng lợi, có ý nghĩa chiến lược, quyết định, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở VN. Đây là một minh chứng để khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đánh Mỹ, quyết tâm giải phóng miền Nam VN, thống nhất Tổ quốc. Hội thảo là dịp để ôn lại sự kiện lịch sử hào hùng, đồng thời giúp nhận thức đầy đủ hơn giá trị lịch sử, thực tiễn và bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn để vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự VN, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy để lại nhiều bài học quý giá và là cuộc tổng diễn tập cho đại thắng mùa xuân 1975: Nghiên cứu, đánh giá đúng về địch, có chủ trương, chiến lược phù hợp, xây dựng quyết tâm chính xác. Chủ động tạo thế và lực, có cách đánh sáng tạo là yếu tố quan trọng để giành thắng lợi. Khéo léo nghi binh, lừa địch, tạo bí mật, bất ngờ; chọn chiến trường mở đầu phù hợp...
Sự che chở, đùm bọc của nhân dân
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò của người dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, nắm tình hình, giúp bộ đội ém quân, vận chuyển vũ trí vào TP. Ngoài ra, trong sự chênh lệch lực lượng giữa ta và địch của đợt 1 và đợt 2 tổng tấn công Mậu Thân 1968, càng thấy rõ hơn ý nghĩa và giá trị của những đóng góp, hy sinh, của tấm lòng son sắt kiên trung mà người dân Sài Gòn - Gia Định dành cho cách mạng.
Trong những ngày chiến sự diễn ra gay go, ác liệt, người dân các phường, quận nội thành, ngoại thành hết lòng che chở, đùm bọc, cưu mang cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ đưa chiến tranh vào sào huyệt địch. Lòng dân đã kết thành những lá chắn thép để nuôi giấu, bảo vệ cho lực lượng vũ trang với quân số lên đến sư đoàn, binh đoàn trong cả 2 đợt tổng tiến công. Người dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, che chở và nuôi dưỡng thương binh. Rõ ràng, cuộc tổng công kích ở Sài Gòn - Gia Định cũng như các đô thị ở miền Nam Xuân Mậu Thân 1968 đã thể hiện rõ nét hình ảnh của chiến tranh nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.