Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo...
Phóng viên tác nghiệp tại tòa án - Ảnh: Lê Nga |
Cho ý kiến dự thảo luật Báo chí sửa đổi chiều 21.3, các ĐBQH đề nghị luật phải bổ sung thêm các quy định ngăn chặn các hành vi đe dọa, khủng bố, truy sát làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhà báo đang ngày càng gia tăng.
Trước đó, vấn đề này được tranh luận khá nhiều tại kỳ họp thứ 10 QH khóa 13, với hai luồng quan điểm: Nên hay không nên coi nhà báo là người thi hành công vụ. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh nhà nước, không đại diện cho nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do đó, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, để bảo vệ nhà báo, dự thảo luật quy định: Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Ngoài ra, bộ luật Dân sự, Hình sự cũng có quy định xử phạt đối với những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp như hành hung hay làm thiệt hại tài sản của nhà báo...
Theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), thời gian qua có nhiều hành vi ngăn chặn, cản trở hành hung, thậm chí truy sát đe dọa sức khỏe, tính mạng của các nhà báo. Trong khi mức độ vi phạm ngày càng lớn nhưng quy định xử lý các hành vi này rất chung chung, không đủ mạnh. Đại biểu Tính đề nghị dự thảo luật phải bổ sung thêm các điều khoản nhằm bảo vệ an toàn cho các nhà báo khi tác nghiệp.
Liên quan đến các trang thông tin điện tử và mạng xã hội cũng tồn tại hai luồng ý kiến đưa hay không đưa vào trong luật để quản lý. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, trang thông tin điện tử tổng hợp có người xuất bản, biên tập, chịu trách nhiệm và phải có giấy phép. Mạng xã hội lại hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm. Do đó, dự thảo luật bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp, còn mạng xã hội vẫn để các văn bản pháp luật khác điều chỉnh.
Dự kiến, dự luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực từ 1.1.2017.
Không đầu tư dàn trải khu công nghiệp
Cũng trong buổi chiều qua, QH nghe báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế “Phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia”.
Theo báo cáo thẩm tra, việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp triển khai chậm, chất lượng chưa cao, thường phải điều chỉnh; công tác quản lý, chấp hành quy hoạch tại một số địa phương chưa nghiêm, còn sai phạm, tiến độ thực hiện dự án chậm, sử dụng đất không đúng mục đích. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian qua, thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với đất khu công nghiệp và đất khu kinh tế, theo điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, diện tích đất khu công nghiệp là 191.420 ha, giảm 8.590 ha so với nghị quyết của QH. Ủy ban Kinh tế cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã tiến hành rà soát lại các khu công nghiệp, tập trung chỉ đạo lấp đầy các khu công nghiệp hiện hữu và diện tích lấp đầy đã nâng lên đáng kể, đạt khoảng 65% so với 45% năm 2011. Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự hợp lý về số lượng các khu công nghiệp, tập trung lấp đầy các khu công nghiệp hiện hữu. Việc quy hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp cần dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội, lợi thế cạnh tranh, chú trọng quy hoạch theo vùng, không nên đầu tư dàn trải, chia cắt theo địa giới hành chính.
Bình luận (0)