Ngư dân Quảng Nam liên tục ‘tố’ bị tàu Trung Quốc cản trở, quấy phá

17/10/2019 11:30 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều ngư dân Quảng Nam liên tục 'tố' bị tàu Trung Quốc quấy phá, khống chế, cắt ngư lưới cụ... khi ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa.

Đầu tháng 10.2019, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã có yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh về thông tin tàu cá Việt Nam liên tiếp bị tàu Trung Quốc truy đuổi không cho đánh bắt cá.

Tàu Trung Quốc đâm va, rồi cướp hải sản

Nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn Quảng Nam liên tục “tố” tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng tàu, cướp hải sản, cắt phá lưới ngư cụ.

Tàu cá của ngư dân Tèo bị đâm va gây hư hỏng vào hồi tháng 10.2018

Ảnh: Mạnh Cường

Đơn cử, ngày 2.6, tàu cá QNa-91441 do ông Trần Văn Nhân (42 tuổi, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, H.Núi Thành) làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu cùng 10 ngư dân đang thả trôi tàu để ngủ trưa tại vĩ tuyến 15,42 độ vĩ Bắc - 111,34 độ kinh Đông, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 22 hải lý thì bị tàu công vụ Trung Quốc áp sát, khống chế tàu cá QNa-91441, yêu cầu tất cả ngư dân dồn về trước mũi tàu.

“Trong 6 người đó có một người nói được tiếng Việt. Họ yêu cầu chúng tôi không được đánh bắt tại vùng biển này. Sau đó họ buộc mở khoang tàu rồi lấy hơn 2 tấn mực khô chở về tàu của họ”, ông Nhân nói. 

Ngư dân Quảng Nam tố bị tàu Trung Quốc cướp hơn 2 tấn mực khô

Không chỉ bị cướp hết hải sản đánh bắt được, nhiều tàu cá Quảng Nam còn tố cáo việc bị đâm va, gây hư hỏng, rất nguy hiểm.

Cụ thể, sáng 15.10.2018, tàu cá QNa 90398 TS, do ông Huỳnh Tèo (45 tuổi, ở xã Tam Quang) làm chủ đang thả lưới đánh bắt tại vị trí 18’32 độ Bắc, 113’21 độ Đông (thuộc vùng biển Hoàng Sa). Đến lúc 13 giờ 30 cùng ngày, khi các ngư dân đang ngủ trưa anh Võ Tấn Ích thức dậy và phát hiện một tàu lớn đang tới gần. Chỉ ít phút sau, tàu này bất ngờ đâm mạnh vào đuôi tàu của ông Tèo, đẩy tàu chạy khoảng 1 km.

Sau cú đâm mạnh, tàu bắt đầu rung lắc dữ dội, 12 người còn lại đang ngủ, bật dậy. “Cú bị đâm va mạnh khiến tàu hư hỏng nặng ở phần sau lái và cabin. Nếu thời điểm đó tàu chìm giữa đại dương chắc không ai sống nổi...”, ông Tèo nhớ lại.

Nỗi ám ảnh của 13 ngư dân trên tàu cá bị tàu lạ đâm ở Hoàng Sa

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Mau, Chủ tịch UBND H.Núi Thành (Quảng Nam), cho biết thời gian qua, địa phương cũng nhận được nhiều ảnh của ngư dân trên địa bàn “tố” việc bị tàu Trung Quốc đẩy đuổi, gây khó khăn khi đang hoạt động đánh bắt trên biển. “Chúng tôi luôn động viên ngư dân trên địa bàn vững tâm bám biển, tổ chức sản xuất đúng quy định và trong phạm vi vùng biển lãnh thổ Việt Nam, không vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Mau nói.

Từ chối cứu hộ?

Vào khoảng 21 giờ ngày 25.9, tàu cá QNa 90569 TS do ông Phan Bá Tín (47 tuổi, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, cùng 11 ngư dân đang trên đường ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt thì không may bị gãy trục láp tại tọa độ 15,34 độ vĩ Bắc - 111,51 độ kinh Đông, cách đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa, khoảng 30 hải lý. Do không thể khắc phục nên các ngư dân đành thả trôi tự do gần 7 ngày trên biển.

Tàu cá của thuyền trưởng Tín cùng 11 ngư dân bị gãy trục láp trên biển bị tàu Trung Quốc từ chối cứu hộ

Ảnh: Mạnh Cường

Theo thuyền trưởng Phan Bá Tín, thời điểm tàu gặp nạn và trả trôi gần đảo Bạch Quy, lúc này có xuất hiện một tàu Trung Quốc tiếp cận và nói nếu có yêu cầu thì họ sẽ lai dắt vào neo đậu tại khu vực đảo Bạch Quy cho an toàn. Tuy nhiên, theo quan sát thì khu vực tàu Trung Quốc lai dắt vào là rất cạn và thực chất khu vực này không hề an toàn như họ nói nên thuyền trưởng Tín không đồng ý.

Cũng theo thuyền trưởng Phan Bá Tín, ngay sau khi tàu này rời đi, một tàu Trung Quốc khác lại đến và có 7 người đi ca nô qua thuyền cá của ngư dân Quảng Nam rồi yêu cầu tất cả 12 ngư dân dồn về phía mũi tàu. Sau khi kiểm tra mọi thứ, họ bắt ép ngư dân ký vào một tờ giấy gì đó.

Tàu cá của thuyền trưởng Tín đã liên lạc được với tàu cá QNa - 90569 TS của anh Nguyễn Thanh Thành (trú cùng địa phương) tới lai dắt. Sau 2 ngày 2 đêm được lai dắt, tàu cập cảng Tam Quang vào tối 2.10.
Liên quan đến việc cứu hộ tàu cá QNa 90569 TS, theo đề nghị của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), trong ngày 29.9, phía Trung Quốc đã cử 1 tàu cứu nạn đến khu vực đảo Bạch Quy để cứu nạn tàu cá QNa 90569 TS bị gãy trục láp.
Nhưng khi đến hiện trường, lực lượng cứu nạn Trung Quốc xác định sự cố tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn, đồng thời giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ tàu và cho hay, để được thực hiện cứu hộ phải trả tiền theo thỏa thuận.

Thuyền trưởng tàu cá Qna 91441 TS tố bị tàu Trung Quốc chặn cướp đi hơn 2 tấn mực vào hồi tháng 6.2019

Ảnh: Mạnh Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.