Người bị cách ly phòng chống dịch Covid-19 tự chi trả chi phí ăn uống

28/02/2020 08:48 GMT+7

Riêng đối với người thuộc hộ nghèo sẽ được nhà nước hỗ trợ mức ăn 40.000 đồng/ngày trong thời gian bị cách ly.

Dư luận đang phẫn nộ về việc nhà đài YT11N News và nhóm du khách Hàn Quốc đã đăng và cung cấp thông tin một chiều cho rằng khu cách ly y tế tại Việt Nam nghèo nàn, chỉ cho ăn vài mẫu bánh mì.

Cuộc sống bên trong khu cách ly phòng chống dịch Covid-19

Qua câu chuyên này, Báo Thanh Niên xin cung cấp một số thông tin cơ bản về những trường hợp bị cách ly y tế và chế độ chăm sóc, ăn uống trong khu cách ly y tế được thực hiện như thế nào, theo luật định.

4 biện pháp cách ly y tế

Theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm…, có 4 biện pháp cách ly y tế, gồm: cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế tại cơ sở y tế, cách ly y tế tại cửa khẩu và cách ly y tế tại các cơ sở.
Trong đó, việc cách ly y tế tại nhà sẽ thực hiện đối với trường hợp đang lưu trú tại vùng dịch, người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch, người tiếp xúc với người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.
Cách ly y tế tại cơ sở y tế đối với người đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch; người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm;
Cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A; người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.
Và biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn

Về các chế độ, quản lý, kinh phí đối với người bị cách ly y tế, Thông tư 32/2012 của Bộ Tài chính quy định khá đầy đủ.
Theo đó, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày bị cách ly; miễn phí di chuyển đến cơ sở bị cách ly.
Đối với chế độ ăn uống, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly.
Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, gồm: bại liệt; cúm A-H5N1; dịch hạch; đậu mùa; sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; sốt Tây sông Nile; sốt vàng; tả; viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do virus Adeno; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue; bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay chân miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Rubeon; bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do virus Rota.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.