Người dân gần bãi rác Nam Sơn vẫn dựng lều chặn xe chở rác
|
Hiện trường chưa “hạ nhiệt”
[VIDEO] Hà Nội ngập ngụa trong rác thải
|
Từ sáng nay, 14.1, PV Thanh Niên đã có mặt tại 1 trong 2 điểm “chốt chặn” của người dân tại ngã tư liên thôn Hạ Lộc - Liên Xuân (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Cho đến 12 giờ trưa, tại đây vẫn có vài chục người dân là đại diện cho các hộ bị ảnh hưởng ở khu vực bán kính 500 m quanh bãi rác Nam Sơn - thuộc diện sẽ phải di dời để tránh ô nhiễm.
Theo các hộ dân này, họ đồng thuận cùng nhau chặn xe rác vì mất kiên nhẫn trước việc dự án di dời bị chậm tiến độ.
|
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về kết quả cuộc đối thoại chiều qua (13.1), các hộ dân cho biết về cơ bản họ thống nhất với các nội dung đối thoại, nhưng vẫn còn vài vấn đề cần có câu trả lời dứt điểm.
Một là người dân muốn di chuyển đồng loạt cả mấy trăm hộ trong vùng ảnh hưởng, chứ không đền bù lẻ tẻ và di dời dần.
Thứ hai, người dân muốn chốt lại thời gian cuối cùng họ nhận được tiền đền bù và đề nghị lãnh đạo thành phố “phải cho thấy động thái quyết liệt và cam kết trách nhiệm”.
Hiện nay, UBND TP.Hà Nội mới chỉ có chỉ đạo ngày 30.3 phải chốt phương án đền bù để thực hiện việc chi trả cho người dân trong quý 2/2019, tuy nhiên, chưa có thời điểm cuối cùng hoàn tất việc chi trả.
Thứ ba, người dân cho biết đến nay chưa có bảng giá đền bù, nên đề nghị đưa bảng giá về “để người dân thảo luận, xem xét trước”.
Thêm vào đó, theo người dân, buổi đối thoại hôm qua chỉ có đại diện chính quyền xã, huyện và người dân chứ không có lãnh đạo thành phố.
|
Ông Nguyễn Công Huy (xã Nam Sơn) “mong muốn Bí thư Hoàng Trung Hải trực tiếp về đối thoại với dân”, bởi theo ông Huy, trước đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tuyên bố với người dân là hết quý 4/2018 sẽ di dời xong, nhưng đến giờ không có động thái gì, nên người dân mất lòng tin.
Nhiều người dân khác cũng “mong được lãnh đạo cấp thành phố quan tâm, sát sao hơn” để gia tăng lòng tin.
Căng lều bạt trở lại
Ngoài việc mất kiên nhẫn về tiến độ đền bù quá chậm, người dân còn bày tỏ bức xúc về môi trường sống tồi tệ ở địa phương.
Cụ thể, sau khi cải tạo hồ Non Hơn (nạo vét bùn), người dân phát hiện có nước đen rỉ vào hồ, nghi là có rò rỉ nước thải từ bãi rác. Tại xã Hồng Kỳ, rất nhiều ruồi làm phiền cuộc sống của người dân, nhất là vào mùa nóng.
|
Về việc dỡ lều lán như lãnh đạo huyện Sóc Sơn sáng nay báo cáo với Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội, người dân cho biết không phải họ được thuyết phục để tự dỡ lều lán, mà do chính quyền xã nói căng lều khiến xe bê tông không thể qua đường; và cũng không cho người dân cắm xuống ruộng, nên người dân dỡ lán. Tuy nhiên, cho đến trưa, do trời mưa, người dân đã căng lều bạt trở lại.
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực lều có một bếp lửa để đun nước pha trà uống và pha mì tôm ăn. Người dân cũng trang bị bếp ga để có thể nấu ăn tạm.
|
Tại thời điểm chúng tôi có mặt, không có đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng như TP.Hà Nội mà chỉ có lực lượng công an xã, huyện, thành phố để giữ gìn an ninh trật tự. Lực lượng chức năng ở đây từ chối cung cấp thông tin cho báo chí với lý do không có thẩm quyền phát ngôn.
Nhiều xe rác vẫn đỗ cách khu vực bị "phong tỏa" khoảng 2 - 3 km, sẵn sàng đưa rác vào bãi nếu thông được đường.
|
|
PV Thanh Niên cũng quan sát được sự có mặt của Phó giám đốc Urenco. Được biết, lực lượng bên trong bãi rác Nam Sơn vẫn đang trong tư thế sẵn sàng để nếu rác vào được sẽ xử lý nhanh nhất có thể.
Ngoài điểm Nam Sơn, một điểm khác tại xã Hồng Kỳ cũng có khoảng vài chục người dân đang chốt chặn tương tự.
Bình luận (0)