Ngày 2.3, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) - Công an TP.HCM vừa có thông tin phản hồi về việc “người dân được quyền giám sát CSGT”. Theo PC08, ngày 28.11.2019, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA về việc quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) với mục đích nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm TTATGT.
|
Giám sát những gì; giám sát sao cho đúng?
Theo đó, tại Điều 10 của Thông tư này quy định về những việc người dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT, cụ thể như sau: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm TTATGT; Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ; Việc nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.
Tại điều 11 của thông tư trên, người dân thông qua các hình thức giám sát như sau: Thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm TTATGT; Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
|
Các hình thức công khai để người dân theo dõi, giám sát
Trong thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả Thông tư số 67/2019/TT-BCA, Phòng PC08 đã áp dụng các hình thức công khai sau: Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Phòng (địa chỉ truy cập: http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn); niêm yết tại trụ sở các Đội/Trạm CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; thông qua việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật để giúp cho người dân theo dõi và giám sát các hoạt động của lực lượng CSGT.
Thông tư số 67/2019/TT-BCA được ban hành với mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cản trở, chống người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến nhóm người dùng điện thoại giám sát lực lượng CSGT (thuộc PC08 - Công an TP.HCM) đang làm nhiệm vụ trên QL1 thời gian gần đây, theo lãnh đạo đơn vị này, CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát, thực hiện chuyên đề đều có kế hoạch cụ thể. Khi lập chốt kiểm tra, lực lượng CSGT dựng cọc tiêu, giăng dây, đèn báo hiệu là đúng quy định. Người dân có quyền giám sát nhưng chỉ đứng ngoài khu vực được CSGT cắm cột, giăng dây để ghi hình, ghi âm. Người dân chỉ được quyền giám sát chứ không được quyền kiểm tra kế hoạch. Muốn xem kế hoạch, người dân lên Cổng thông tin của PC08 hoặc đến các Đội CSGT để xem.
Khu vực bảo đảm TTATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc giăng dây để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. CSGT được quyền lập chốt ở vị trí thuận tiện, đảm bảo an toàn, đặt cọc tiêu, xe mở đèn quay báo hiệu để người tham gia giao thông được biết, CSGT đang làm nhiệm vụ nên không thể nói là lấn chiếm lòng, lề đường. “ Người dân được quyền giám sát CSGT nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến người thi hành công vụ, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.
Bình luận (0)