Người độc nhất miền Tây may trang phục tuồng

20/01/2018 10:00 GMT+7

Nghệ nhân Thanh Nhàn là người duy nhất ở miền Tây chuyên may trang phục tuồng cho các đoàn hát suốt hơn 20 năm qua.

Chuyện tình dang dở với cô đào hát
Nghệ nhân Thanh Nhàn tên thật là Võ Công Khanh (66 tuổi, ngụ khóm Đông Bình A, P.Đông Thuận, TX.Bình Minh, Vĩnh Long). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát bội, ông ngoại là Huỳnh Hiệp làm Trưởng đoàn hát tuồng Đồng Hiệp nức tiếng một thời.
Năm 1970, sau khi ông ngoại của nghệ nhân Thanh Nhàn mất thì đoàn Đồng Hiệp tan rã. Ông Nguyễn Văn Hường, con một thành viên trong đoàn, đứng ra lập nên đoàn Phước Tấn, sau này là đoàn Hậu Giang 3, để các anh, chị em chung niềm đam mê có nơi hoạt động nghệ thuật. Năm 1975, sau khi thi rớt tú tài, ông Nhàn xin tham gia đoàn Phước Tấn làm công việc tiền đài, hậu đài.
Ông Nhàn kể, vào thời điểm đó, đoàn hát thường tổ chức phong trào bóng đá giao hữu tại địa phương để bán vé. Ban ngày đá bóng để bán vé, đêm đến thì biểu diễn. Một số thành viên trong đoàn được chọn để thành lập đội bóng, trong đó ông là một trong những chân sút cự phách. Phong trào đá bóng bán vé thu hút số lượng lớn người dân địa phương tại những địa điểm đoàn lưu diễn nên vé nhanh chóng được bán hết.
Niềm vui tham gia các phong trào là vậy, nhưng khi màn đêm buông xuống, ánh đèn sân khấu bật lên thì những ước mơ, đam mê nghề hát tuồng như bùng cháy trong ông Nhàn. Từ đó, ông miệt mài tập luyện, nhưng đó là một hành trình vô cùng khó khăn. Do không có sắc, giọng hát không ngọt nên ông không có đất diễn. Một thời gian sau, tình cờ gặp được NSND Thành Tôn là cố vấn cho đoàn, được sự chỉ dạy tận tình và định hướng hình ảnh từ người thầy của mình, chỉ sau một năm ông thành danh với vai kép độc (phản diện).
Năm 1978, lúc đã thành danh cũng là lúc ông lỡ duyên với cô đào chính của đoàn hát Hậu Giang 3. Vừa nói đến đây, gương mặt ông trầm buồn. Ông kể, chuyện tình của hai người càng sâu đậm thì gia đình cô gái càng cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Cô là con của trưởng đoàn, còn ông chỉ mới thành danh, tiền tài không có, tương lai mờ mịt. Không muốn người con gái mình yêu thương phải khổ sở lựa chọn giữa tình và hiếu nên ông lặng lẽ ra đi trong nỗi đau khổ tột cùng.
Sau đó, ông Nhàn bôn ba qua nhiều đoàn hát như: Liên Hữu, Tấn Phát (Long Xuyên, An Giang), Sao Vàng, Văn Thanh (Sóc Trăng), Đồng Thinh (Vĩnh Long), Phước Tuần, Phước Hưng (Cần Thơ), Hiệp Lợi (Tiền Giang) và cuối cùng gia nhập CLB Thể Nghiệm (TP.HCM) do ông Huỳnh Minh Nhị làm chủ nhiệm và nữ NSƯT Ngọc Khanh làm phó chủ nhiệm. Khi đến đó, ông nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các anh, chị em trong đoàn, trút bỏ nỗi buồn, ông hóa thân vào từng vai diễn và tạo được tiếng vang. Càng ngày danh tiếng của ông được nhiều người biết đến, trở thành một trong những thành viên trụ cột của đoàn.
Mão vua được nghệ nhân Thanh Nhàn chế tác tỉ mỉ từng chi tiết
Tâm huyết giữ nghề
Khoảng năm 1986, thời điểm cực thịnh của nghề hát tuồng, hát bội, ông Nhàn cùng đoàn lưu diễn tại nhiều lễ hội lớn khắp miền Tây. Vào một dịp lễ, đoàn của ông diễn tại Lăng ông Bà Chiểu (TP.HCM), trang phục được đoàn sử dụng cũ kỹ, sờn màu. Khi ông đóng vai Tạ Nghi Đình trong vở San Hậu - một võ tướng uy nghi nhưng lại mặc bộ trang phục cũ nát, dưới sân khấu nhiều khán giả chê bai thậm tệ. “Họ cho rằng đoàn này hát được nhưng trang phục quá cũ, quá xấu”, ông Nhàn kể.
Dù vở diễn hôm đó thành công nhưng những lời chê bai về trang phục làm ông Nhàn trăn trở mãi. Từ đó, ông nghĩ ra ý tưởng tạo trang phục xứng tầm vai diễn của mình và bạn diễn. Nhưng bắt tay vào làm ông gặp nhiều khó khăn vì không hề có trường dạy may những trang phục này. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Nhàn ra tiệm bán đồ Đại Quang Minh ở Chợ Lớn tìm nguồn vật liệu thiết kế áo. Sau khi tìm được, ông nhanh chóng bắt tay vào may trang phục, mượn những bộ giáp cũ của anh, em nghệ sĩ đem về tháo, lắp từng chi tiết để xem đường may, họa tiết và làm theo.
Đến năm 1992, qua nhiều tháng nghiên cứu, mày mò, ông Nhàn đã hoàn thành những sản phẩm đầu tay, nhưng không được anh em trong nghề đánh giá cao. Thế là ông tiếp tục tháo ra làm lại nhiều lần cho đến khi hoàn thiện. “Lúc đầu nản lắm nhưng vì yêu nghề và được mọi người động viên, ủng hộ nên tôi hạ quyết tâm làm cho bằng được. Cuối cùng cũng có vài bộ ra sân khấu được mọi người khen. Lúc đó tôi vui không tả nổi”, ông Nhàn chia sẻ.
Theo ông Nhàn, bộ trang phục phải thể hiện được cái thần của vai diễn, đường chỉ dứt khoát, họa tiết uyển chuyển, đặc sắc, màu sắc phối trộn tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất để tăng độ nổi bật, kim sa được may một cách khéo léo theo từng nét vẽ để trở nên sống động như thật. Người làm trang phục phải hiểu về nghề hát tuồng, hát bội mới có thể tạo ra sản phẩm đúng tinh thần của nghề. Trước khi may trang phục phải nghiên cứu thật kỹ từ vai diễn đến hoàn cảnh lịch sử phù hợp. “Nếu vai vua thì trang phục thống nhất là màu vàng, có hình rồng, phối màu để hình rồng nổi bật trên nền vàng của áo, những tiểu tiết như râu, răng và vảy rồng cũng phải được phối màu để thật nổi bật. Trang phục cho vai tướng võ trong triều thì thêu hình hổ để nổi bật vẻ dũng mãnh. Đối với vai nho sinh, trang phục phải thật đơn giản để toát lên khí chất nho nhã, thanh tao…”, ông Nhàn bộc bạch.
Tôi không muốn nghề này bị mai một bởi đó không chỉ là việc may mặc bình thường mà là giữ cái hồn và nét văn hóa của dân tộc. Thế hệ sau mà không gìn giữ là có tội với tiền bối
Nghệ nhân Thanh Nhàn

Sau quần áo, ông Nhàn bắt đầu chế tác thêm mão, giày, râu, đao… Với sự cần mẫn, dần dần ông hoàn thiện tay nghề. Những phụ kiện được ông nghiên cứu rất kỹ lưỡng và chế tác theo từng vai diễn. Bên cạnh đó, ông còn may tất cả trang phục, phụ kiện từ hồ quảng, tuồng… và trở thành người độc quyền cung ứng trang phục tuồng cho các đoàn hát tại đồng bằng sông Cửu Long. Nghề may trang phục chủ yếu do đam mê, còn nguồn thu nhập không nhiều vì các đoàn thường chỉ thuê trang phục, sản phẩm không bán rộng rãi được ngoài thị trường. Song, vì muốn gìn giữ truyền thống cha ông nên ông vẫn gắn bó với nghề mấy chục năm qua.
Nói về nghệ thuật tuồng, hát bội và nghề may trang phục tuồng hiện nay, ông Nhàn luôn trăn trở bởi không có thế hệ kế thừa. Phần lớn thế hệ sau này chuyển qua cải lương, tấu hài, kịch nói. Kể cả người con gái út của ông từng được định hướng theo nghề nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sau khi tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu, cô cũng không tham gia nghệ thuật tuồng. “Tôi không muốn nghề này bị mai một bởi đó không chỉ là việc may mặc bình thường mà là giữ cái hồn cái nét văn hóa của dân tộc. Thế hệ sau mà không gìn giữ là có tội với tiền bối”, ông Nhàn trải lòng.
Năm 2015, nghệ nhân Thanh Nhàn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Thời gian gần đây, vì lý do sức khỏe, ông chủ yếu cho thuê trang phục và tham gia các hoạt động trong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Ông cho biết, trong suốt hơn 20 năm làm nghề, đã may trên 800 bộ trang phục và hơn 1.000 món phụ kiện cho các đoàn hát ở các tỉnh miền Tây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.