Liên quan vụ án "giả mạo công tác" xảy ra tại Trường đại học (ĐH) Đông Đô, Viện KSND tối cao đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tại quyết định trả hồ sơ, Viện KSND tối cao đề nghị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm rõ nhiều nội dung trong vụ án. Ngoài việc phải làm rõ các nội dung: hành vi của từng bị can trong việc làm và cấp bằng giả, khoản tiền thu lợi bất chính và xử lý hậu quả đối với việc làm và cấp bằng giả… Viện KSND tối cao còn yêu cầu các đơn vị chủ quản phải xử lý trách nhiệm các đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp dùng bằng không được cấp đúng quy định.
Theo danh sách thu được tại Trường ĐH Đông Đô, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó mới làm rõ 193 trường hợp không qua đào tạo. Trong số 193 trường hợp này, có 60 người đã sử dụng bằng để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, thi nâng ngạch thanh tra viên, thi tuyển công chức…
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Luật sư (LS) Lê Quang Vũ (Giám đốc công ty Luật Công Bình, Đoàn LS TP.HCM), trường hợp người ghi danh học không biết việc ĐH Đông Đô không có chức năng đào tạo và cấp bằng thì họ không phải chịu trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự nhưng họ phải chịu hậu quả về việc thu hồi vì văn bằng được cấp không có giá trị pháp lý.
"Những đảng viên, công chức, viên chức trong trường hợp này được xem là bị hại trong vụ án và có quyền yêu cầu trường ĐH Đông Đô và những cá nhân sai phạm liên đới bồi thường thiệt hại bao gồm các khoản học phí và thiệt hại thực tế (nếu có)", LS Vũ nói.
|
Tuy nhiên, LS Vũ nhấn mạnh, đối với những viên chức, công chức, đảng viên biết đây là bằng giả nhưng vẫn sử dụng thì tùy thời điểm sử dụng, tùy mức độ hành vi thực và hậu quả gây ra mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tội danh này có mức hình phạt đến 7 năm tù, phạt tiền đến 50 triệu đồng.
Theo luật sư Bùi Trọng Hiển (Đoàn LS TP.HCM), hành vi sử dụng bằng giả chỉ cấu thành tội phạm khi “để thực hiện hành vi trái pháp luật". "Theo đó, hành vi trái luật nghĩa là những người này sử dụng bằng giả không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chạy chức…”, LS Hiển cho biết.
Biết là bằng giả nhưng vẫn sử dụng: Bị xử lý hành chính
Theo LS Vũ, trong trường hợp người sử dụng bằng giả là công chức, viên chức, khi sai phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý hành chính. Và việc xử lý hành chính tiến hành bằng hình thức kỷ luật cách chức, buộc thôi việc theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Đồng thời, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ theo Điều 22 Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT.
Cụ thể, theo ông Lưu Đức Quang (giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM), về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, thì công chức, viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị buộc thôi việc. Các cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ sẽ bị cách chức.
Nếu có trường hợp người sử dụng bằng giả của đại học Đông Đô là Đảng viên, LS Bùi Trọng Hiển cho biết theo Điều 22 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15.11.2007 về Xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, thì Đảng viên gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị khiển trách, Vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Trong trường hợp vi phạm 2 điều trên và gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị khai trừ Đảng.
Bình luận (0)