Thêm một bị cáo “tâm thần” vừa đưa ra xét xử ở Quảng Nam, mức án sơ thẩm được tuyên nhưng hành vi gây án dã man khiến dư luận chấn động ngay khi mới xảy ra vụ việc và tạo tâm lý bất an trong xã hội.
Bị cáo Lê Phúc nghe tuyên án - Ảnh: H.X.H |
Lê Phúc (tức Dít Em, 25 tuổi, trú TT.Hà Lam, H.Thăng Bình, Quảng Nam) bị Viện KSND tỉnh truy tố về tội “Giết người”, và đã nhận bản án chung thân sau phiên sơ thẩm ngày 29.3 của TAND tỉnh kèm theo khoản bồi thường gần 131 triệu đồng cho gia đình bị hại. Nữ công nhân xấu số Nguyễn Thị Tuyết (trú xã Bình Quý, cùng H.Thăng Bình) đã gặp nạn ở tuổi 20, sau hàng loạt cú chém bằng rựa bất ngờ của Phúc.
Phiên sơ thẩm chứng kiến những cung bậc cảm xúc khác nhau từ phía gia đình bị hại: giận dữ, đau buồn, bức xúc. Khi vị đại diện Viện KSND tỉnh giữ quyền công tố trình bày chi tiết diễn biến vụ sát hại mà Lê Phúc gây ra cho chị Tuyết, nhiều tiếng khóc bật lên, trong đó có cha mẹ nạn nhân. Nhiều phóng viên tác nghiệp tại tòa cũng không “liệt kê” cụ thể hành vi dùng rựa nhiều lần tấn công cô gái mà cáo trạng đã quy kết cho Phúc, vì quá dã man. Có thể tạm hình dung, do bực tức về việc từng bị người nhà chị Tuyết đánh, Phúc nảy sinh ý định chặn đường hại chị Tuyết (vì thấy chị thường đi ngang qua nhà mình trên đường Duy Tân, TT.Hà Lam). Trong đêm định mệnh 10.9.2014, Phúc chặn xe chị Tuyết, dùng rựa tấn công, khi nạn nhân bất tỉnh thì kéo qua khỏi đường kênh, đặt nằm ngửa trên bờ ruộng rồi tiếp tục giở áo quần nạn nhân và có một số hành vi hôn hít (nhưng không đủ cơ sở buộc tội hiếp dâm). Khi nạn nhân cử động trở lại, Phúc tiếp tục tấn công bằng rựa...
Nhiều ý kiến tranh luận tại phiên tòa và tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận sau đó cứ xoay quanh những tình tiết thể hiện bị cáo rất “tỉnh táo” khi sát hại nạn nhân, như đào hố chôn thi thể nạn nhân, vứt các đồ vật liên quan (mũ bảo hiểm, giày, điện thoại di động) vào bụi để phi tang; chạy xe máy khoảng 1 km đến suối Trong (thuộc tổ 14 TT.Hà Lam) rồi đẩy xuống nước giấu, lấy bèo phủ lên… Trong quá trình điều tra, gia đình của Phúc đã cung cấp hồ sơ khám bệnh từ năm 2012 của Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Hồ sơ vụ án cũng cho biết Phúc có bệnh “loạn dục phô bày”. Ngày 1.12.2014, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng cũng lập biên bản số 126/BB-TTPYTT kết luận: Trước, trong, sau khi gây án và hiện tại (thời điểm điều tra), Lê Phúc “bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi (đối tượng còn trách nhiệm hình sự nhưng bị hạn chế một phần)”.
Đã xuất hiện những bình luận trái chiều, khi có người cho rằng “tâm thần mà cũng biết tính toán” khi biết cách phi tang các chứng cứ; nhưng cũng có ý kiến khẳng định vì bị tâm thần nên hung thủ mới xuống tay tàn nhẫn như vậy. Một kiểm sát viên cho PV Thanh Niên biết, cá nhân ông đã tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để xác minh kỹ lưỡng hồ sơ, qua đó nhận thấy việc điều trị cho Lê Phúc không được tốt khi cho ngoại trú và uống thuốc không đều.
Hội đồng xét xử trong bản luận tội đã khẳng định, với hành vi đặc biệt nghiêm trọng lẽ ra phải dùng khung hình phạt cao nhất loại bỏ Lê Phúc khỏi xã hội, nhưng quyết định “cách ly không thời hạn”, tức án chung thân. Ngoài những tình tiết như có nhân thân tốt, đã khắc phục một phần thiệt hại…, thì lý do phạm tội do hạn chế năng lực hành vi (bị tâm thần) đã giúp Lê Phúc “thoát” án tử. Dù sao, hình phạt này vẫn nặng hơn so với mức án mà Viện KSND tỉnh đề nghị trước đó (từ 18-20 năm tù).
Giai đoạn truy tố, Viện KSND tỉnh đã phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Phúc. Đến cuối tháng 1.2016 mới phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can. Tình tiết này khá tương đồng với vụ sát hại thầy bói hồi tháng 4.2012 tại xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành. Khi đó, bị cáo Trương Thị Kiều Phương (39 tuổi, trú P.An Phú, TP.Tam Kỳ) cũng bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc trong quá trình điều tra, sau đó bị tuyên án chung thân.
|
Bình luận (0)