Nguy cơ mất mũi Cà Mau

12/04/2011 01:15 GMT+7

Biển đang “gặm” dần mũi Cà Mau. Tình trạng đã đến mức báo động khiến có những lo ngại mũi đất tận cùng của cực nam Tổ quốc sẽ biến mất...

Biển “phản công”

Ở tọa độ 8 độ 37 phút 30 vĩ bắc và 104 độ 43 phút kinh đông (thuộc xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau), mũi Cà Mau là vị trí mà nhiều người VN khát khao ít nhất một lần được đặt chân tới. Lịch sử vùng đất này luôn tiếp nối câu chuyện đất sinh sôi lấn dần ra biển. Vùng đất trẻ còn được coi như một biểu tượng tinh thần của không chỉ cư dân Đất Mũi. Nhà thơ Xuân Diệu từng cảm hứng: “Mũi Cà Mau: vùng đất tươi non/ Mấy trăm đời lấn luôn ra biển/ Phù sa vạn dặm tới đây tuôn/ Lắng lại; và chân người bước đến” (Mũi Cà Mau).

Tuy nhiên, một thực tế là trong những năm gần đây, vùng đất này đang chịu cảnh xói lở khiến nhiều người đến đây phải chạnh lòng. Nhiều vị trí, vài năm trước còn đó, giờ đã mất bởi đà xâm thực vốn chưa từng diễn ra với vùng đất “Mũi tàu Tổ quốc” này. “Nếu lấy bản đồ trước đây so với bây giờ, chúng ta sẽ thấy khu vực mũi Cà Mau đã có nhiều thay đổi”, một cán bộ công tác tại Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau chỉ cho chúng tôi xem những biến dạng đến giật mình của mũi đất nổi tiếng này.

Rừng phòng hộ ven biển đã bị xâm phạm. Thêm vào đó, khi xây dựng khu du lịch, người ta đã đưa cơ giới vào đào xới, lấy cát từ các bãi bồi lắng. Điều này đã tác động xấu vào tiến trình diễn thế của tự nhiên, gây sạt lở - Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đất Mũi

Được biết, từ khi khu đất này trở thành khu du lịch (KDL) sinh thái (năm 2001) đến nay, địa phương đã không ít lần cho làm bờ kè để giữ đất. Tuy nhiên, nhiều công trình với các chất liệu khác nhau đều không tồn tại nổi trước đà xâm thực dữ dội của biển, chỉ còn lại dấu tích là những cọc dừa, cọc bê tông nằm khẳng khiu giữa biển. “Ăn” hết những bờ kè giữ đất, biển “nuốt” luôn những công trình du lịch và hiện đang tiến gần đến công trình biểu tượng mũi Cà Mau.

Đưa chúng tôi ra khu đất tận cùng của chóp mũi, anh hướng dẫn viên du lịch tên Dương Văn Thắng chỉ về các thanh cọc phía xa nói đó là công trình bờ kè chắn sóng đã bị sóng đánh hư. Cách bờ khoảng 10m về hướng đông là hàng cọc bê tông đang xây dở dang, nhưng đã bị sóng “đánh phủ đầu” để tiếp tục lấy đi phần đất bên trong. Sát con lộ, một dãy kè bằng cây tràm “dã chiến” vừa được đóng, nhưng cũng thật mong manh và biển đã bắt đầu ăn tới con lộ. Từ con lộ này, qua một khoảnh đất nữa là biểu tượng mũi Cà Mau...

 

 Cảnh điêu tàn gần khu vực Khai Long sau khi bị biển tấn công - Ảnh: T.Trình

Phía trong biểu tượng mũi Cà Mau về phía tây là cột mốc tọa độ quốc gia. Trước đây, sau khi tham quan cột mốc đặc biệt này, du khách sẽ được dẫn đến một con đường nhỏ len qua rừng đước để đi từ đông sang tây mũi Cà Mau. Phía ngoài còn có con đường xi măng uốn cong theo bờ biển, dọc theo là những chòi gác để khách nghỉ chân và ngắm cảnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này con đường đã biến mất. Khách cũng không thể đặt chân lên các căn chòi gác vì số nằm trong thì bị sóng biển đánh tới chân, số khác thì đã nằm... chơi vơi ngoài biển. Đưa khách qua mỏm đất nằm chếch về hướng tây mũi Cà Mau, nơi những rẻo đất khẳng khiu, tơi tả sau những cú đánh của sóng biển, một nhân viên của KDL mũi Cà Mau cho biết, trong Tuần lễ du lịch Đất Mũi diễn ra hồi tháng tư năm ngoái, người ta đã cho làm một đoạn đường tạm để du khách và quan chức có thể đi từ đông sang tây. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, biển cũng đã “hô biến” luôn đoạn đường này. Bây giờ, chỉ có thể đứng ở rẻo đất chóp mũi để nhìn ra căn chòi gác bị sóng biển cách ly khỏi bờ. Chếch về phía tây mũi đất là một khóm cây mắm đã “chia tay” với bờ. Anh này nói trước đây những vị trí trên là một phần đất liền. Chỉ sau mấy năm nó đã “thuộc về biển cả”.

Không chỉ có mũi đất nằm trong KDL mũi Cà Mau, cả dãy bờ biển chạy dọc về hướng đông cũng đang hứng chịu cảnh biến xâm thực. Ông Nguyễn Quốc Khải, cán bộ quản lý KDL Lý Thanh Long, cho biết khoảng 4 năm nay, biển đã lấn vào đất liền tại KDL này trên dưới 300m. Trước đây, vùng đất này hằng năm được biển mang phù sa về bồi lắng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 4 năm nay, biển đã “đổi tính” lấy mất bãi cát vàng, tiến đến ăn bứt bờ kè phía trong bãi cát khoảng 50m. Xong bờ kè, sóng biển lại “thịt” luôn những cây dương được trồng phía trong, rồi “gặm” luôn sân bóng đá. Đánh dạt các công trình du lịch, đến hồ nuôi cá cảnh quan nằm sâu trong đất liền cũng chẳng yên. Chạy dọc theo KDL Lý Thanh Long, con lộ xi măng rộng dẫn đến một nhà hàng thủy tạ cũng bị biển “nuốt” trôi. Nhà hàng hiện đã tách xa khỏi đất liền.

 

 Căn chòi xây phục vụ khách bộ hành tại khu du lịch mũi Cà Mau giờ đã bị biển lấn tới

Do thời tiết hay con người?

Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết nhiều khu đất, trong đó có những khu đất nằm trong quy hoạch dự án nhưng chưa kịp triển khai xây dựng cho đến nay đã không còn. Đơn cử như khu đất phía sau biểu tượng mũi Cà Mau, Bộ Công an dự kiến xây dựng khu nhà nghỉ, nhưng đã bị biển lấy mất. Ông Tiến tâm sự, gắn bó với vùng đất này nhiều năm ông hiểu biển ở đây “có bồi có lở”, đặc biệt là khu vực phía đông mũi Cà Mau. Nhưng mức độ xói lở không nghiêm trọng như bây giờ. Có nhiều bận ra khảo sát khu vực bờ cát thấy có các đụn cát được bồi lắng, chưa kịp mừng, mấy ngày sau trở ra thì đụn cát đã... mất tiêu.

Kỹ sư Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh đang nhờ Viện Khoa học thủy lợi khảo sát, nghiên cứu đánh giá những tác động của tình trạng sạt lở. Nhưng để xây dựng các công trình chống lở phải cần có kinh phí rất lớn; để xây dựng mỗi km bờ kè, theo mức chung cần đến 90 tỉ đồng. Hiện, nhóm kỹ sư của Sở đang có giải pháp “sống chung với sóng” được gọi là “giải pháp mềm” chỉ tốn khoảng 20% kinh phí so với mức đầu tư chung đang chờ tỉnh thông qua. Hy vọng sẽ sớm được triển khai.

Ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường, Giám đốc Công viên văn hóa mũi Cà Mau nói, ở đây nhiều năm ông đã chứng kiến có những thay đổi bất thường của thời tiết. Như 2 năm nay triều cường đã đột ngột tăng cao. Vào những ngày cao điểm, nước biển đã dâng lên cao hơn những năm trước chừng 2 gang tay, nhấn chìm nhiều dãy đất thuộc mũi Cà Mau. Căn nhà làm việc của BQL cũng bị nước biển dâng ngập. Tương tự, anh Nguyễn Quốc Khải cho biết từ năm 2009 đến nay, vào thời điểm tháng 10 âm lịch có lúc triều cường dâng cao đã cuốn trôi nhiều vật dụng tại KDL Lý Thanh Long. Anh Khải cho rằng chính sự thay đổi triều cường là nguyên nhân dẫn đến sạt lở.

Nhưng ông Tiến thì không cho như vậy. Theo ông, bồi lở là chuyện của tự nhiên, nhưng riêng tại khu vực mũi Cà Mau thì nguyên nhân chính là do sự tác động của con người. Người dân Cà Mau có cụm từ “cây mắm đi trước cây đước theo sau” để chỉ quá trình lấn ra biển của vùng đất bồi lắng. Cây mắm giữ vai trò tiên phong lấn ra biển. Rễ mắm bám chặt vào đất, giữ phù sa, bồi lắng, tích tụ lâu ngày trở thành vùng đất mới. Khi cây mắm hoàn thành sứ mệnh thì đến lượt cây đước theo sau để “khẳng định chủ quyền” của đất liền. Một thời gian, rừng phòng hộ ven biển đã bị xâm phạm. Thêm vào đó, khi xây dựng KDL, người ta đã đưa cơ giới vào đào xới, lấy cát từ các bãi bồi lắng. Điều này đã tác động xấu vào tiến trình diễn thế của tự nhiên, gây sạt lở. Tuy sau đó những người có trách nhiệm cho xây dựng bờ kè giữ đất, nhưng do xây dựng không đúng kỹ thuật nên các bờ kè chỉ “làm mồi” cho sóng biển.

 

 Mũi Cà Mau trước đà xâm thực của biển

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.