Nguyên CSGT gọi 'bạn xã hội' đánh chết người vi phạm: VKS đề nghị 13 năm tù

21/03/2019 16:01 GMT+7

Viện kiểm sát đề nghị tuyên Phạm Sỹ Hoài Như, nguyên CSGT gọi 'bạn xã hội' đánh chết người vi phạm, mức án từ 11 - 13 năm tù.

Ngày 21.3, đại diện Viện KSND TP.HCM phát biểu quan điểm vụ án liên quan đến nguyên CSGT “cố ý gây thương tích” và đề nghị mức án đối với 5 bị cáo: Phạm Sỹ Hoài Như (38 tuổi, từng công tác tại Đội CSGT Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) và các đồng phạm: Nguyễn Minh Chung, Phạm Thanh Kim Hạnh, Ngô Thành Vương, Trần Đức Vững.
Theo đó, Viện KSND đề nghị tuyên phạt bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, bị cáo Nguyễn Minh Chung cùng mức án 11 - 13 năm tù; Trần Đức Vững mức án từ 8 - 9 năm tù; Ngô Thành Vương từ 7 - 8 năm tù. Còn bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh được Viện KSND đề nghị mức án 5 năm 6 tháng tù, bằng thời hạn tạm giam.
Theo Viện KSND, qua phần thẩm vấn công khai tại tòa, đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo rằng các bị cáo đã nghe lời của nguyên CSGT Phạm Sỹ Hoài Như đến đánh dằn mặt, gây ra cái chết cho ông Nguyễn Văn Chính (45 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Viện KSND cho rằng đây là vụ án đồng phạm nên cần xem xét vai trò, nhân thân để có mức án tương xứng cho từng bị cáo.
Theo Viện KSND, Phạm Sỹ Hoài Như, trong vai trò là một CSGT, là chủ mưu khi gọi Chung đến đánh dằn mặt ông Chín. Nếu Như không kêu Chung đến thì không xảy ra vụ án. “Hành vi của Như là nguy hiểm cho xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân rất lớn”, Viện KSND nhận định.
Tuy nhiên Viện KSND cũng đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ cho nguyên CSGT Phạm Sỹ Hoài Như để HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo: bị cáo không có tiền án, tiền sự, gia đình có công cách mạng, bị cáo tích cực khắc phục một phần hậu quả.
Đối với bị cáo Nguyễn Minh Chung, theo Viện KSND, Chung là người "hỗ trợ" Như tích cực khi được Như gọi đến đánh dằn mặt ông Chính, đồng thời cũng là người được "đàn em" (tức 3 bị cáo còn lại - PV) tin tưởng.
Song, tại phiên thẩm vấn ngày 21.3, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như chối bỏ tất cả hành vi phạm tội mà bị cáo khai nhận trước đây, cũng như chối lại lời khai của 3 đồng phạm còn lại. “Dựa vào bản tường trình của chính bị cáo cũng như biên bản hỏi cung bị cáo với sự có mặt của luật sư, đại diện Viện KSND, Chung được Như gọi đến Tân Kỳ - Tân Quý để đánh dằn mặt ông Chín. Vì vậy, cáo trạng quy kết Chung là đúng người, đúng tội”.
Do Chung thay đổi lời khai, chối tội nên Viện KSND cũng đề nghị HĐXX không cho Chung tình tiết giảm nhẹ.
Tranh luận lại, luật sư Lý Trung Dung (Đoàn LS TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như) cho rằng Viện KSND quy kết Như chủ mưu là không có căn cứ thuyết phục. “Viện kiểm sát phải thu thập chứng cứ khẳng định Như gọi Chung đến đánh dằn mặt ông Chín, chứ không phải chỉ dựa vào lời khai bất nhất của các bị cáo khác”, LS Trung Dung nêu.
Ngoài ra, theo LS Dung, thân chủ của mình có thừa nhận hành vi sai phạm là gọi “bạn xã hội” đến trong khi đang thi hành công vụ nhưng Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015 có bổ sung trường hợp "người đồng phạm không chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành", quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS 2015, vì vậy HĐXX cần áp dụng quy định mới, có lợi có nguyên CSGT Phạm Sỹ Hoài Như.
"Hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm và hậu quả do hành vi vượt quá đó gây ra thì chỉ người thực hành chịu trách nhiệm hình sự. Từ đó, bị cáo Như không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người thực hành, là những bị cáo khác trực tiếp đánh ông Chính", LS bào chữa cho nguyên CSGT Phạm Sỹ Hoài Như đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.