Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình có sai phạm gì?

24/03/2018 13:30 GMT+7

Mặc dù Nguyên Phó thống đốc NHNN ông Đặng Thanh Bình biết rõ lộ trình triển khai phương án của VNCB còn chậm nhưng vẫn ký chấp thuận chủ trương tái cơ cấu của TrustBank, khiến thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 22.3, Viện KSND tối cao tống đạt cáo trạng truy tố 5 bị can về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến đại án Phạm Công Danh và đồng phạm thất thoát 9.000 tỉ đồng. Các bị can gồm: Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN); Hà Tấn Phước (Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An), Phạm Thế Tuân (Tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM), Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) và Ngô Văn Thanh (thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).
Tháng 9.2017, ông Đặng Thanh Bình bị khởi tố và được tại ngoại điều tra. Sai phạm của ông Bình liên quan trong vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng cho VNCB.
 
Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình Ảnh: Tiêu Phong
Tổ giám sát bỏ mặc để Phạm Công Danh rút tiền
Theo cáo buộc, tổ giám sát của NHNN có 9 thành viên (có các bị can bị truy tố đã kể trên), trong đó ông Hà Tấn Phước làm tổ trưởng. Quá trình lấy lời khai của Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh, các bị can thừa nhận theo quy định tổ giám sát phải tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu, hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm TrustBank; giám sát chặt hoạt động TrustBank, báo cáo nhanh hoạt động không phù hợp với chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, các bị can tổ giám sát không nắm sự việc hoặc không báo cáo kịp thời, còn khi báo cáo thì tiền đã đã được chuyển đi, ông Danh đã lấy số tiền đó chi tiêu cho riêng mình.
Trong tổng số gần 19.000 tỉ đồng mà ông Danh rút ra từ VNCB thì có gần 10.000 tỉ đồng có xin ý kiến tổ giám sát (trong đó tổ giám sát có cho ý kiến đồng ý là hơn 6.000 tỉ đồng, còn không đồng ý và không có ý kiến là hơn 3.500 tỉ đồng); VNCB không có ý kiến gần 9.000 tỉ đồng.
Đối với số tiền hơn 6.000 tỉ đồng đến nay không thể thu hồi vì ông Hà Tấn Phước đồng ý cho VNCB gửi tại Sacombank, BIDV và TPBank, nhưng sau khi VNCB gửi tiền thì tổ giám sát không giám sát mà bỏ mặc để ông Danh sử dụng tiền này bảo lãnh vay tiền tại các ngân hàng nhằm rút tiền ra để sử dụng riêng.
Cáo trạng xác định tổ giám sát phải chịu trách nhiệm với thiệt hại nói trên do ông Danh gây ra cho VNCB.
Quá trình chỉ đạo tái cơ cấu TrustBank có vấn đề
Đối với ông Đặng Thanh Bình, CQĐT xác định ông Bình phải chịu trách nhiệm trong việc chấp nhận Phạm Công Danh tham gia vào tái cơ cấu và trở thành chủ tịch HĐQT của ngân hàng VNCB, để ông Danh đã rút gần 19.000 tỉ đồng của VNCB, trong đó có 15.670 tỉ đồng không thể thu hồi được.
Cụ thể, tháng 2.2012, khi xác định TrustBank là ngân hàng yếu kém cần phải tái cơ cấu, nguy cơ đổ vỡ hệ thống rất cao. Trên cơ sở đề án tái cơ cấu và tờ trình của TrustBank báo cáo lãnh đạo NHNN về việc không chấp thuận cho TrustBank tự tái cơ cấu vì sợ dẫn đến tình trạng thao túng ngân hàng như nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn.
Ngày 17.5.2012 NHNN yêu cầu TrustBank báo cáo và được Thống đốc NHNN chấp thuận việc chuyển nhượng 85% cổ phần TrustBank cho nhóm cổ đông mới đủ năng lực tài chính.  Tháng 6.2012, sau khi Tập đoàn Thiên Thanh giải trình, chứng minh năng lực tài chính bằng cách có sổ tiết kiệm dài hạn là hơn 1.100 tỉ đồng và sở hữu mảnh đất 302 Tô Hiến Thành (Q.10 - trị giá 7.000 tỉ đồng) thì ông Nguyễn Thanh Bình (Thống đốc NHNN) giao cho ông Đặng Thanh Bình thực hiện việc chấp thuận chủ trương cho phép ông Phạm Công Danh là nhà đầu tư mới tham giá tái cơ cấu TrustBank từ nhóm cổ đông cũ là nhóm bà Hứa Thị Phấn.
Quá trình chỉ đạo ông Bình đã ký rất nhiều đề xuất giấy tờ liên quan "có vấn đề". Cụ thể, tháng 8.2012, ông Đặng Thanh Bình ký đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận TrustBank tái cơ cấu theo phương án nói trên. Theo đề xuất, nếu phương án tái cơ cấu không thành công, NHNN trình chính phủ phương án đặt TrustBank vào diện kiểm soát đặc biệt và xử lý theo luật pháp. Tháng 9.2012, NHNN có công văn do ông Đặng Thanh Bình ký gửi TrustBank về việc chấp thuận chủ trương tái cơ cấu.
Từ đó, CQĐT xác định việc xác minh năng lực tài chính của NHNN và các đơn vị thuộc NHNN còn mang tính hình thức, lúc này biết rõ lộ trình triển khai phương án của VNCB còn chậm nhưng ông Bình vẫn ký chấp thuận nhân sự để Phạm Công Danh trở thành chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. 

Mặc dù sai phạm của ông Bình đã rõ, tuy nhiên ông Bình khai nhận với CQĐT ông đã làm có căn cứ pháp luật, đầy đủ và hết trách nhiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.