Trên Facebook cũng ngập tràn những “frame avatar” (khung hình đại diện) kêu gọi mọi người “nhà ai nấy ở” để hưởng ứng lời kêu gọi của cơ quan chức năng trong việc hạn chế tụ tập xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Đó là lý do mà đường phố TP.HCM những ngày này khá vắng vẻ, người đi lại thưa thớt như những ngày tết. Phần lớn người dân đã tuân thủ và hưởng ứng lời kêu gọi ở nhà trong “14 ngày vàng” nhằm góp phần cùng chính quyền kiểm soát dịch bệnh.
Trong những ngày cả nước “chống dịch như chống giặc” thì kỷ luật, kỷ cương phải đặt lên hàng đầu, không có ngoại lệ. Thế nhưng vẫn còn một số nhà hàng, quán nhậu lén lút hoạt động với những chiêu trò không giống ai nhằm đối phó với lực lượng chức năng.
Dẫu biết rằng, kể từ khi có dịch bệnh đến nay, doanh số của các nhà hàng, quán ăn đều giảm nhưng đó là khó khăn chung của tất cả lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế chứ không riêng ngành nghề nào. “Lách qua khe cửa hẹp” để kinh doanh trên khuôn khổ pháp luật cho phép và vì cộng đồng thì đã đành, nhưng dùng chiêu trò vì lợi nhuận, cần chấm dứt.
Với nhiều người đã quen với cuộc sống sôi động, náo nhiệt, những ngày “sống chậm” có thể khiến họ cảm thấy bức bí, khó chịu. Nhưng hãy hiểu cho rằng, đây được coi như là “thời chiến”, mà “giặc” chính là dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh không chừa một ai và không bao giờ dừng lại nếu như mọi người di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà không được kiểm soát.
Bên cạnh đó, để những hình ảnh quán xá lén lút hoạt động không còn thì chính quyền phải mạnh tay xử lý; không thể “vận động” hay “thông cảm” vào những ngày cao điểm này. Kỷ cương phép nước phải đặt lên hàng đầu, “hoặc ở nhà hoặc lên phường”.
Thông điệp này cũng một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 vào chiều qua (30.3): “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”.
Bình luận (0)