Đó là thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng bộ đội biên phòng (BĐBP). Cuộc đời ông gắn liền với đất lửa Quảng Trị và mọi miền biên cương Tổ quốc.
Sinh năm 1953 ở Chiến khu Ba Lòng (nay là xã Ba Lòng, H.Đak Rông, Quảng Trị) nhưng từ bé, Trần Đình Dũng đã không biết mặt cha. Mẹ là bà Phan Thị Cúc, Bí thư Hội phụ nữ của Chiến khu Ba Lòng hy sinh năm 1965, khi ông mới 12 tuổi.
Quyết tâm vào bộ đội
Quyết tâm vào bộ đội để trả thù cho cha mẹ, đầu năm 1968 khi chưa đủ 15 tuổi, Trần Đình Dũng trốn lên cứ, xin nhập ngũ. Thuyết phục mãi không được, vả lại cũng muốn an toàn cho đứa con duy nhất của đồng đội đã hy sinh - mất tích, lãnh đạo Khu ủy Trị Thiên đành cử ông đi học quân y, về làm y tá tại Binh trạm 7 thuộc Đoàn 559 ở A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Công tác 6 tháng, Trần Đình Dũng nằng nặc xin đi chiến đấu và cuối 1968, ông được chuyển về Đội an ninh vũ trang (ANVT) bảo vệ Khu ủy Trị Thiên.
Sau Mậu Thân 1968, lực lượng ANVT Quảng Trị bị tổn thất nặng, có nơi bị đánh bật ra khỏi vùng giải phóng. Đầu năm 1969, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và chọn Quảng Trị làm địa bàn thí điểm, liên tục tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá vùng căn cứ địa, vùng giải phóng, đẩy cách mạng ra khỏi chiến trường. Bên cạnh đó, chúng ráo riết thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc” để nắm dân, cô lập cách mạng... khiến ta mất chỗ đứng, mất cơ sở. Có nơi, đến đầu năm 1969 mới bắt được liên lạc.
|
“Hồi ấy các chú, các bác cứ sợ tôi hy sinh nên cho vào đơn vị tiếp cận, bảo vệ lãnh đạo khu ủy ở vùng Tà Rụt (Đak Rông, Quảng Trị). Ai cũng nghĩ trên cứ là an toàn nhàn nhã, nhưng thực tế đó mới là chỗ ác liệt”, thiếu tướng Trần Đình Dũng nhớ lại và kể: “B-52 thả bom suốt ngày đêm. C-130 rải chất độc hóa học mù mịt. Thám báo biệt kích lúc nhúc vây bắt, tìm diệt cán bộ ta. Bên cạnh đó là đói. Nguồn tiếp tế từ đồng bằng bị cắt đứt. Nguồn sống ở rừng như rau củ quả, thịt rừng, cá suối cũng bị bom đạn, chất độc phá hủy. Có khi hàng tháng trời, tôi không biết hạt gạo là gì. Anh em thì kiệt sức, lả hết”.
Trong những ngày khốc liệt ấy, đơn vị bảo vệ tiếp cận của ANVT Quảng Trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, đưa đón bảo vệ cán bộ lãnh đạo trong các chuyến công tác. Với chiến sĩ Trần Đình Dũng, đây là quãng thời gian tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu, từ việc đánh địch tập kích, đào hầm hào tránh trú B-52, pháo bầy cho đến việc phát hiện địch phục kích qua khả năng ngửi thấy mùi khói thuốc, hơi giày lạ từ xa... và nhất là kỹ năng sinh tồn.
Những cựu chiến binh bảo vệ tiếp cận hồi ấy, giờ gặp nhau vẫn kể: Trần Đình Dũng là người đầu tiên tìm học tiếng đồng bào Pa Cô - Vân Kiều và học rất nhanh, mỗi khi gặp các bản đồng bào, anh vào xin từ củ mì, nải chuối về chia cho đồng đội vượt qua cơn đói. Cũng vì biết tiếng, ông Dũng được đồng bào cung cấp tình hình địch, từ đó triển khai công tác bảo vệ, đánh địch rất hiệu quả.
Năm 1970, chiến sĩ Trần Đình Dũng được xét kết nạp vào Đảng. Chuẩn bị kết nạp chính thức thì bị ngưng lại với lý do rất đơn giản: “Thành tích chiến đấu rất nhiều, nhưng mới 17 tuổi chưa đủ tiêu chuẩn. Đợi sang năm đủ 18 tuổi, tổ chức sẽ trả thẻ Đảng”.
Ra Bắc vào Nam
Cuối năm 1971, chiến sĩ Trần Đình Dũng được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ “Bảo vệ lãnh đạo tỉnh ra Hà Nội công tác, kết hợp đi học chuyên môn”.
Sau nửa tháng trời hành quân, ông Dũng ra tới Hà Nội và được đưa sang TX.Hưng Yên học lớp điệp báo (nay thuộc Tổng cục 5, Bộ Công an) cấp tốc, trong thời gian 6 tháng. Thời điểm này, ông nhận được tin cha mình, ông Trần Hữu Nam, sau quá trình chiến đấu bên Lào, được đưa ra Bắc làm công tác cải cách ruộng đất và năm 1971, đang công tác tại H.Thanh Oai, Hà Tây (nay là TP.Hà Nội). Quãng đường tìm gặp cha chỉ đi bộ nửa ngày, nhưng Trần Đình Dũng không thể tới, bởi phải học ngày đêm và nhất là yêu cầu bí mật của ngành tình báo.
|
Đầu tháng 5.1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Chiến sĩ Trần Đình Dũng kết thúc khóa học điệp báo, trở lại quê hương. Thấy cấp trên đưa mình về phòng chuyên ngành, Trần Đình Dũng nằng nặc: “Tôi đi học để về chiến đấu”. Rút cục, lãnh đạo tỉnh phải đưa ông về làm phó phân đội trưởng thuộc đội trinh sát ANVT, chuyên làm nhiệm vụ “diệt ác trừ gian” tại địa bàn 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong.
Cuối tháng 6.1972, địch mở chiến dịch “Lam Sơn 72” phản kích tái chiếm Quảng Trị. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thị xã và Thành cổ Quảng Trị, đơn vị ông Dũng và Đội trinh sát ANVT TX.Quảng Hà bị thương vong nhiều khi cùng quân chủ lực bảo vệ TX.Quảng Trị. Sau 25 ngày chốt giữ, lực lượng an ninh tỉnh được lệnh rút ra củng cố lực lượng. Trần Đình Dũng cùng phân đội 201 ra Gio Linh đóng quân và cuối năm 1972, lại tham gia đánh bại cuộc tái chiếm “Sóng thần” của địch.
Khát vọng hòa bình
Trước khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, ông Dũng cùng đơn vị chiếm giữ khu vực giáp ranh ở H.Triệu Phong. Ngày 26.1.1973, đơn vị ông nhận hàng trăm lá cờ, đêm hôm ấy, ông tổ chức cho đơn vị đi cắm. “6 giờ ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực. Đối phương kéo ra nhận đất nhưng chúng tôi đã cắm xong cờ, khẳng định quyền kiểm soát từ đêm qua. Đại diện bên họ ngạc nhiên: “Chúng tôi đã tăng cường nã pháo để ngăn chặn, sao các anh vẫn cắm nổi?”, thiếu tướng Trần Đình Dũng nhớ lại và lắc đầu: “Đêm 26.1.1973, rất nhiều anh em bị thương do pháo. Thế nhưng cứ nghĩ ngày mai là hòa bình, cả đơn vị cũng động viên nhau: Gắng thêm chút nữa, cắm cờ giữ đất để con cháu sau này có đất sản xuất, không còn khổ vì chiến tranh”.
“Quốc gia không thể bình yên nếu đường biên giới bị đe dọa. Bảo vệ an ninh quốc gia phải là sức mạnh tổng hợp, phải từ lòng dân. Nếu dân không đủ no đủ ấm thì chẳng ai nghĩ đến quốc gia, quốc thể. Nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, ngoài việc bảo vệ biên giới, là phải duy trì và bồi đắp cho sự nghiệp củng cố lòng dân ấy”.
Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP
|
Khát khao hòa bình, thống nhất của ông Dũng và các cán bộ chiến sĩ ANVT tỉnh Quảng Trị phải kéo dài đến hơn 2 năm sau. Ngày 9.3.1975, ông Dũng và đồng đội tham gia trận chiến đấu cuối cùng trên đất Quảng Trị, đẩy đuổi đối phương khỏi các chốt phía tây Hải Lăng, đánh tan phòng tuyến cuối cùng ở Mỹ Thủy, cắm cờ giải phóng lên cột cờ Thành cổ... Chiều 19.3.1975, Hải Lăng - mảnh đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Đến lúc ấy, hòa bình mới thực sự trở về trên vùng đất lửa.
Ngày thống nhất, cũng là ngày Trần Đình Dũng lần đầu tiên được đeo quân hàm trên vai áo. Nhiều người ngạc nhiên: “Chưa đi học sĩ quan sao được phong thiếu úy?” và họ chỉ gật đầu khi biết: Chàng trai 22 tuổi ấy, nhập ngũ từ khi 15 tuổi, đã 7 năm liền trải qua chiến đấu và thời ấy ở Quảng Trị, là người hiếm hoi được kết nạp Đảng, năm 18 tuổi.
Ngày thống nhất, thiếu úy Trần Đình Dũng vào Trại giam Hoàn Cát (vùng Cùa, H.Cam Lộ) khai thác quân nhân chế độ cũ. Một số binh lính sĩ quan trước đấy đã từng tham gia giết hại cậu ruột và mẹ Trần Đình Dũng, đinh ninh sẽ bị anh trả thù. Thế nhưng, thiếu úy Dũng lại đi... vay thuốc lá Tam Đảo của bộ đội, mang vào phát cho họ và từ tốn: “Mọi chuyện đã qua, có làm gì thì người thân cũng không sống lại. Các anh cải tạo tốt rồi về lao động sản xuất nuôi vợ con. Thống nhất đất nước, là thống nhất lòng người”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)