Theo ủy quyền của Bộ TN-MT, Viện Hải dương học Nha Trang công bố kết quả khảo sát sơ bộ nền đáy biển khu vực được cấp phép đổ bùn thải. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 18 - 21.7 bằng phương pháp đo sâu hồi âm bằng máy Lowrance 526 và định vị vệ tinh.
Tổng công ty phát điện 3 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét.
Kết quả bước đầu cho biết: Khu vực dự kiến nhận chìm nền đáy khá bằng phẳng với độ sâu 35 - 36 m. Thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật, độ chọn lọc tốt. Về sinh cảnh đáy, đây là sinh cảnh đáy mềm, khá nghèo sinh vật đáy có kích thước lớn, có một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển và không phát hiện san hô và cỏ biển.
Sinh vật đáy nhỏ trong trầm tích có sự hiện diện của cả 4 nhóm động vật đáy chính gồm giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác, da gai. Trong nhóm thân mềm đã ghi nhận một mẫu với kích thước nhỏ của loài móng tay - là đối tượng được khai thác làm thực phẩm.
TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nói: Kết quả vừa được công bố cho thấy đáy biển nơi đó có sự sống chứ không hoàn toàn là cát như người ta nói.
Chỉ có biển chết thì đáy biển mới “toàn cát”. Nền đáy mềm nên không có san hô hay nói đúng hơn đây là hệ sinh thái bùn cát có sự sống. Do là vùng biển có sự sống thì càng phải thận trọng hơn nữa. “Không nên sai lầm trong nhận thức rằng không có san hô là được đổ bùn thải. Dứt khoát phải dừng quyết định cấp phép lại để nghiên cứu thêm”, ông An cảnh báo.
TSKH Lê Huy Bá nhận định thêm: Việc cấp phép rồi mới cho khảo sát đáy biển này là một quy trình ngược, nhưng dù sao nó cũng chứng minh được đáy biển có sự sống chứ không chỉ toàn cát. Những sinh vật tầng đáy là mắt xích ban đầu trong chuỗi thực phẩm. Cả triệu tấn bùn cát đổ xuống đó sẽ hủy hoại toàn bộ môi trường biển đặc biệt là các sinh vật tầng đáy này.
Phải nghiên cứu tiếp
Trước đó đại diện Bộ TN-MT cho rằng vật chất thải nạo vét phần lớn là cát, chỉ có 20% là bùn nên sẽ ít gây tác động, cũng giống như phù sa sông đổ ra biển nên không quá nguy hiểm cho môi trường biển. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải phân biệt giữa môi trường nước trong và môi trường nước đục.
Đây là hai hệ sinh thái hoàn toàn khác nhau không thể đánh đồng được. Theo TS An, môi trường nước trong cần năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Nguồn năng lượng này phục vụ cho quá trình sống và phát triển của các sinh vật biển ở hệ sinh thái nước trong. Nếu nước bị đục thì ánh sáng sẽ không qua được nên sẽ giết chết hệ sinh vật và cả vùng biển. Đây thật sự là thảm họa sinh thái.
Hội nghệ cá Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tạm dừng khẩn cấp việc triển khai giấy phép của Bộ TN - MT cho phép đổ bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.
Theo giấy phép được cấp, Công ty Vĩnh Tân 1 sẽ dùng xà lan đáy mở có độ sâu khoảng 5 m so với mặt nước biển để đổ bùn thải. Trong khi đó độ sâu đáy biển là 35 - 36 m, điều này có nghĩa là bùn cát sẽ trong trạng thái rơi “tự do” trong môi trường nước biển ở khoảng cách ít nhất 30 m. Trong khoảng cách đó bùn cát sẽ bị dòng hải lưu cuốn đi trước khi kịp chìm xuống. TS An phân tích Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu tổng thể về giấp phép và việc đổ bùn thải, nghĩa là phải tính đến những tác động về môi trường, kinh tế, xã hội như du lịch, khai thác hải sản, sản xuất tôm giống, nghề muối... phải được lấy ý kiến của người dân tại chỗ và khu vực có khả năng bị tác động. Đây không phải là câu chuyện của 30 ha nơi xả thải hay Hòn Cau mà chính là câu chuyện của cả vùng biển nước trồi độc đáo và vùng tài nguyên biển phong phú.
Theo TS Tô Văn Trường, kết quả Viện Hải dương học Nha Trang mới công bố dựa trên các phương pháp thực hiện, có thiết bị, và các nhà chuyên môn thực hiện có thể nói là tin cậy. Việc khảo sát lần này dự kiến nơi đổ bùn thải theo giấy phép của Bộ TN-MT vừa kiểm chứng, vừa cập nhật bổ sung số liệu vì báo cáo ĐTM thực hiện từ 2008.
Trả lời câu hỏi kết quả khảo sát cho thấy nơi đổ thải không có san hô, vậy việc đổ bùn thải có ảnh hưởng tới khu bảo tồn Hòn Cau và vùng biển nam Trung bộ không, TS Trường cho rằng hiện chưa có tài liệu nào minh chứng thuyết phục việc đổ bùn thải ra biển Bình Thuận không tác động đến môi trường sinh thái vùng bảo tồn Hòn Cau. Cần tiếp tục thu thập phân tích đánh giá các dữ liệu đầu vào, sử dụng mô hình toán 3 chiều tương thích, kết hợp với khảo sát thực địa để mô phỏng có tính chất định lượng về bài toán lan truyền chất.
Bình luận (0)