Nhận dạng tàu cá Trung Quốc - Kỳ 4: Dân binh hộ tống

30/08/2020 09:00 GMT+7

Từ cuối những năm 90, tàu cá vỏ sắt dân binh Trung Quốc bắt đầu tham gia hộ tống, bảo vệ các tàu khảo sát thăm dò địa chất, giàn khoan dầu khí xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Những đầu năm 90, các tàu khảo sát thăm dò - giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam thường được hộ tống bảo vệ bởi các tàu hải quân, hải giám, hải cảnh. Từ cuối những năm 90 đến nay, đội hình bảo vệ này có sự tham gia đắc lực của các tàu cá dân binh vỏ sắt.

Tàu cá dân binh bảo vệ phía sau Hải Dương địa chất 8

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đầu tháng 3.1997, tàu HQ-957 của lữ đoàn 125 hải quân trực bảo vệ chủ quyền trên vịnh Bắc bộ, thì phát hiện giàn khoan Kan Tan 03 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ban đầu, tàu HQ-957 chỉ bám sát giàn khoan và 3 tàu chiến đấu Trung Quốc đi theo bảo vệ, để trinh sát theo dõi. Khi thực hiện đấu tranh ngăn cản, cứ tàu ta tiếp cận hướng nào là tàu Trung Quốc đã đợi sẵn cản phá.
“Ban đầu không hiểu vì sao lại lộ phương án. Quan sát và kiểm tra lại, mới ngã ngửa vì không để ý đến mấy tàu cá Trung Quốc xuất hiện trong khu vực. Thì ra chính các tàu cá này đã theo dõi mình và báo cho tàu bảo vệ”, trung tá Nguyễn Văn Đức, nguyên cán bộ hải đội 812, Vùng 2 hải quân nhớ lại.
Trung tá Đức nói thêm: Từ những năm 90, tàu cá dân binh Trung Quốc đã đi theo các tàu thăm dò khảo sát, giàn khoan dầu khí để làm nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ cản phá. Sang năm 2000, do được đầu tư đóng mới, lắp đặt trang thiết bị hiện đại và nhất là được huấn luyện bài bản, nên một số tàu cá dân binh vỏ sắt còn kiêm nhiệm việc phục vụ hoạt động dầu khí.

Tàu cá Quỳnh Đông Phương 11200 của tỉnh Hải Nam tham gia trong đội hình hộ tống, bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa), tháng 6.2014

Ảnh: Mai Thanh Hải

Các tàu này có lượng giãn nước từ 200 - 750 tấn, tốc độ lên tới 20 hải lý giờ, mã lực từ 200 - 500.
Thiết bị trên tàu, ngoài máy định vị màu, dò cá, máy báo thời tiết, máy thông tin vệ tinh Bắc Đẩu, sóng ngắn, sóng cực ngắn..., một cán bộ kiểm ngư Việt Nam cho biết vậy và đọc tên một số loại tàu chuyên bảo vệ hộ tống các tàu khảo sát dầu khí, giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, như: Quỳnh Tam Sa, Việt Trạm Giang, Bắc Ngư…

Tàu cá dân binh Trung Quốc khi tham gia hộ tống, bảo vệ dầu khí được trang bị hiện đại và luôn có người ngồi trong buồng lái dùng ống nhòm quan sát theo dõi các tàu chấp pháp Việt Nam.

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ngày 1.5.2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 918 vào vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa) để tiến hành thăm dò trái phép. Liên tục trong 75 ngày, phía Trung Quốc duy trì 108 tàu/ngày thay nhau phục vụ, bảo vệ giàn khoan.
Trong số này, ngoài các tàu hải cảnh, hải giám, hải quân… còn có khoảng 40 tàu cá dân binh Trung Quốc. Không chỉ quyết liệt ngăn chặn, cản phá các tàu chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ tuyên truyền xua đuổi, tàu cá dân binh Trung Quốc còn khiêu khích, ném chai lọ sang tàu Kiểm ngư Việt Nam.

Tàu cá dân binh Trung Quốc (trái) lao vào giữa đội hình tàu cá vỏ gỗ Việt Nam đang đánh bắt, khẳng định chủ quyền trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa), tháng 6.2014

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đặc biệt, ngày 26.5.2014, tàu cá dân binh Trung Quốc số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá vỏ gỗ ĐNa 90152 TS của ngư dân TP.Đà Nẵng ngay vùng biển Tri Tôn…
Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10.2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Tham gia hộ tống, bảo vệ Hải Dương địa chất 8, ngoài hàng chục tàu hải cảnh, tàu hàng, tàu kéo… còn có sự tham gia của gần 20 tàu cá dân binh Trung Quốc mang số hiệu của Việt Hạ Ngư, Quỳnh Tam Sa Ngư, Quỳnh Dương Phố… Các tàu dân binh này không chỉ thay đổi phương án bảo vệ vòng trong, vòng ngoài cho Hải Dương địa chất 8 mà còn chắn ngang, ép tàu chấp pháp Việt Nam đang làm nhiệm vụ.

2 tàu cá dân binh Trung Quốc bảo vệ 2 bên mũi phải và trái của Hải Dương địa chất 8, tháng 9.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

Một số hình ảnh tàu cá dân binh Trung Quốc tham gia hộ tống, bảo vệ các tàu khảo sát địa chất, giàn khoan dầu khí xâm phạm vùng biển Việt Nam, do phóng viên Thanh Niên thực hiện thời gian qua:

Tàu cá dân binh Việt Hạ Ngư 90080 (màu xanh) luôn kè sát bảo vệ vòng trong Hải Dương địa chất 8

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá dân binh Trung Quốc cùng hải cảnh 45111 lao ra ngăn chặn các tàu chấp pháp Việt Nam

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đội hình hộ tống - bảo vệ Hải Dương địa chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam luôn có tàu cá dân binh và hải cảnh Trung Quốc vòng trong, vòng ngoài

Ảnh: Mai Thanh Hải

2 tàu dân binh Quỳnh Tam Sa đang chắn đường tàu chấp pháp Việt Nam tiếp cận Hải Dương địa chất 8, tháng 10.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

4 tàu dân binh bảo vệ Hải Dương địa chất 8, tháng 7.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

2 tàu dân binh Trung Quốc ép sát nhằm bắt tàu chấp pháp Việt Nam chuyển hướng, không cho lại gần Hải Dương địa chất 8, tháng 8.2019

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá dân binh Quỳnh Tam Sa Ngư bảo vệ Hải Dương địa chất 8

Ảnh: Mai Thanh Hải

Quỳnh Tam Sa Ngư 00010 được đóng mới và hạ thủy đầu 2019 và chuyên đi theo bảo vệ dầu khí

Ảnh: Mai Thanh Hải

Thiết bị hỗ trợ dầu khí chuyên dụng ở boong sau Quỳnh Tam Sa Ngư 00010

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu cá dân binh Trung Quốc (thứ 2 từ trái qua) ở ngoài theo dõi, giám sát 2 tàu hải cảnh đuổi theo, phun nước vào tàu kiểm ngư Việt Nam (trái); Tri Tôn, Hoàng Sa, tháng 5.2014

Ảnh: Mai Thanh Hải

Các tàu hải cảnh Trung Quốc tạo thành vành đai bảo vệ vòng ngoài giàn khoan Hải Dương 981, phía trong, cạnh giàn khoan là tàu cá dân binh; Tri Tôn, Hoàng Sa, tháng 5.2014

Ảnh: Mai Thanh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.