Nhập nhèm mục đích nuôi thú hoang dã: Ngăn thú dữ xổng chuồng

12/06/2019 04:59 GMT+7

Sau loạt bài Nhập nhèm mục đích nuôi thú hoang dã đăng trên Báo Thanh Niên, cơ quan chức năng đã yêu cầu tổng rà soát việc nuôi thú dữ trên toàn quốc.

UBND tỉnh không có thẩm quyền rút giấy phép ?

Trả lời PV Thanh Niên, ông Hồ Trúc Thanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương, khẳng định sẽ kiên quyết buộc di dời các trại nuôi thú hoang dã ra khỏi khu dân cư hoặc yêu cầu chủ cơ sở bàn giao lại cho nhà nước.
[VIDEO] Cận cảnh nơi nuôi con hổ vồ nát 2 tay người đàn ông ở Bình Dương
Về việc quản lý, cấp và rút giấy phép nuôi thú hoang dã ở Bình Dương, ông Hồ Trúc Thanh cho biết việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) được thực hiện theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.3.2019). Hiện nay ở Bình Dương có 3 trại nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD) thì cả 3 trại nuôi được thực hiện thí điểm, gồm: Công ty TNHH Vườn Bách Thú Đại Nam (KDL Đại Nam), Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương, DNTN Thanh Cảnh.
Cả 3 trại nuôi này đều thuộc đối tượng thực hiện theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP và 3 trại thí điểm này đều mở sổ, ghi chép và lưu giữ sổ theo dõi đầu vật nuôi theo mẫu, đồng thời gửi sổ tới cơ quan có thẩm quyền để cấp mã số cơ sở nuôi. Theo ông Thanh, hổ (Panthera tigris) thuộc phụ lục I CITES. Theo điều 17, Nghị định số 06/2019 thì cơ quan thẩm quyền quản lý CITES VN có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi các loài thuộc phụ lục I CITES. Mã số cơ sở nuôi sẽ thay thế cho giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi. Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đang hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Sau khi Thanh Niên có loạt tin bài phản ánh những bất cập trong việc nuôi, nhốt ĐVHD, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cũng đồng thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương rút giấy phép nuôi nhốt ĐVHD của DNTN Thanh Cảnh.
Ông Thanh cho biết: “Trại nuôi thí điểm ĐVHD của DNTN Thanh Cảnh được Thủ tướng cho phép nuôi thí điểm hổ tại Bình Dương năm 2007, vì vậy việc kết thúc nuôi thí điểm cũng phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Đối với Trại nuôi thí điểm ĐVHD của DNTN Thanh Cảnh, sắp tới Sở NN-PTNT Bình Dương sẽ báo cáo kiến nghị UBND tỉnh kiên quyết buộc trại nuôi có phương án di dời ngay trại nuôi hổ ra khỏi khu dân cư đến địa điểm mới phù hợp hơn. Nếu trại nuôi không có phương án di dời thì vận động chủ nuôi làm đơn tự nguyện trao trả thú cho nhà nước”, ông Thanh nói.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương, cho biết thêm đã yêu cầu DNTN Thanh Cảnh sửa chữa 3 ô chuồng, hoàn thành trong thời gian 10 ngày (kể từ ngày 5.6), để di dời 3 con hổ qua 3 ô chuồng này, rồi mới tiếp tục sửa chữa các ô chuồng còn lại.
Nhập nhèm mục đích nuôi thú hoang dã: Ngăn thú dữ xổng chuồng1
Hai con hổ còn lại trong DNTN Thanh Cảnh được nhốt trong chuồng nuôi gấu Ảnh: Đ.T

Tổng kiểm tra cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết về nguyên tắc ĐVHD được nuôi nhốt trong cơ sở phải có nguồn gốc hợp pháp, chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. Chủ nuôi phải tuân thủ quy định đảm bảo điều kiện khu vực nuôi nhốt phải an toàn. Đối với loài hổ thì ngoài chuồng lớn phải có thêm chuồng ép bên trong.
“Quy định, văn bản thì có nhiều nhưng cơ quan chức năng địa phương phải có sự giám sát, buộc chủ nuôi tuân thủ các quy định”, ông Tùng nói và cũng thừa nhận, cái khó nhất hiện nay là các cơ sở nhỏ lẻ chưa tuân thủ các quy định này dẫn đến những tình huống hổ tấn công con người diễn ra trong thời gian vừa qua.
“Vụ việc ở Bình Dương, chúng tôi đã có yêu cầu kiểm lâm địa phương có báo cáo chi tiết... Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các địa phương tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn ở các cơ sở được cấp phép nuôi nhốt ĐVHD”, ông Tùng nói.
Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), cho rằng ĐVHD nếu nuôi nhốt tập trung trong một thời gian dài thì không còn ý nghĩa bảo tồn tính đa dạng sinh học khi đã mất đi tập tính tự nhiên.
Đơn cử như loài gấu, nếu nuôi nhốt trong thời gian dài, khi thả về tự nhiên sẽ chết ngay lập tức khi không còn khả năng tự kiếm ăn, tự sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã. Theo ông Liên, đối với loài gấu, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới cùng các địa phương đang phối hợp rà soát để lên kế hoạch quản lý gấu nuôi và xử lý những trường hợp cấp phép trước đây theo hai hướng. Thứ nhất, cá thể gấu nuôi phải được gắn chíp để giám sát mọi biến động về cá thể gấu nuôi cho đến hết đời; không cho phép vận chuyển, hút mật và đảm bảo không để gấu săn bắt từ tự nhiên đưa vào các trang trại. Thứ hai, cơ quan chức năng tích cực vận động các cá nhân, đơn vị đang có gấu nuôi bàn giao cho các trung tâm cứu hộ để đưa vào nuôi trong môi trường bán hoang dã; hoặc sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế giao nộp ĐVHD nếu cơ sở đăng ký nuôi nhốt có vi phạm, không đảm bảo điều kiện về an toàn.
Nhiều câu hỏi vụ hổ vồ, cắn người ở DNTN Thanh Cảnh
PV Thanh Niên đặt vấn đề số lượng hổ được nuôi nhốt tại DNTN Thanh Cảnh theo báo cáo là 5 con, nhưng thực tế ngày 5.6, khi xảy ra vụ việc cơ quan chức năng kiểm tra chỉ còn 3 con nuôi nhốt tại đây. Hai con hổ khác đã đi đâu?
Ông Hồ Trúc Thanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương, nói: “Hiện nay DNTN Thanh Cảnh đang nuôi nhốt 5 cá thể hổ. Tại khu vực nơi xảy ra vụ việc được nuôi nhốt 3 cá thể hổ, 2 cá thể hổ còn lại được nuôi nhốt trong một chuồng ở khu vực trại nuôi gấu của DNTN Thanh Cảnh”. Khi PV tiếp tục đặt vấn đề việc DNTN Thanh Cảnh nuôi hổ từ 2003, toàn bộ số hổ không rõ nguồn gốc, đến năm 2007 cơ quan chức năng mới cấp giấy phép. Mặt khác giấy phép hết hạn từ tháng 3.2019 nhưng đến tháng 6.2019, khi xảy ra vụ việc mới phát hiện giấy phép hết hạn. Ông Thanh giải thích việc cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi thí điểm ĐVHD cho DNTN Thanh Cảnh được thực hiện theo ý kiến cho phép của Thủ tướng tại Văn bản số 1761/VPCP-NN ngày 14.4.2007 về việc xử lý việc nuôi hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương và Văn bản số 932/BNN-KL ngày 4.4.2007 của Bộ NN-PTNT về việc giải quyết trường hợp mua nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại Bình Dương. Kể từ ngày 10.3.2019, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
“Theo quy định tại nghị định này thì trại nuôi thí điểm DNTN Thanh Cảnh phải gửi hồ sơ về Cơ quan Quản lý CITES VN để được cấp mã số cơ sở nuôi. Như đã nói ở trên, mã số cơ sở nuôi sẽ thay thế cho giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi”, ông Thanh giải thích. Ông Thanh cho biết thêm, ngày 21.3, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, yêu cầu chủ nuôi trong thời gian chờ lập hồ sơ xin cấp mã số cơ sở, phải sửa chữa, gia cố lại chuồng nuôi hổ... Tuy nhiên, trong quá trình chủ nuôi đang gia cố sửa chữa chuồng trại thì đã xảy ra sự cố đáng tiếc vừa qua.
Đỗ Trường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.