Nhiều bộ, ngành, địa phương 'quên' báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

12/04/2018 11:18 GMT+7

Theo báo cáo của Chính phủ, nhiều bộ ngành, địa phương không ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như không báo cáo kết quả công tác này.

Phát biểu điều hành phiên họp cho ý kiến về Báo cáo kết quả  thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2017 của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết Thường vụ Quốc hội chính thức phê bình các bộ, ngành, tỉnh, thành địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
"Việc không thực hiện báo cáo như vậy là không nghiêm túc, không chấp hành nghiêm việc thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", ông Hiển nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2017, có 16/34 bộ, cơ quan T.Ư, 17/63 tỉnh, thành phố, 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100 % vốn nhà nước không gửi chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho Bộ Tài chính theo quy định.
Bên cạnh đó, 4/34 bộ, cơ quan T.Ư, 12/63 tỉnh, thành phố, 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100 % vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Cụ thể, tính đến ngày 11.4, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo của 4 bộ, ngành, gồm: Bộ Công an, Bộ Giáo dục - đào tạo, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao; và 11 địa phương gồm: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Dương, Điện Biên, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Long, Yên Bái.

Riêng TP.HCM gửi nhầm báo cáo năm 2016.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách do Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải trình bày tại phiên họp cho hay, nhiều báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả tiết kiệm chống lãng phí tại ngành, đơn vị mình, cũng như tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, nên báo cáo của Chính phủ chủ yếu dựa vào kết quả của Thanh tra Bộ Tài chính, các cơ quan của Bộ Tài chính. Do đó, không thể đánh giá được đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là các vi phạm, sai sót.
"Thực trạng này thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, thiếu sót trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", ông Hải nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn thiếu nhiều số liệu, thể hiện sự chưa nghiêm túc của một số bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn trong công tác này.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, nói: "Một số nơi có báo cáo nhưng lại không có số liệu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Không hiểu báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà không có số liệu thì báo cáo về nội dung gì? Đặc biệt, có địa phương còn gửi nhầm báo cáo năm 2016".
"Một báo cáo thiếu số liệu như thế này cho thấy chuyển biến nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa ăn sâu trong đời sống xã hội. Cái dễ nhất là báo cáo mà cũng chưa báo cáo đầy đủ thì thực hiện thế nào?", ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, băn khoăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.