Nhiều dự án của Petroland bán không qua đấu giá: 'Bán' dự án 171,9 ha với giá bèo

23/08/2019 05:00 GMT+7

Để tái cơ cấu, Petroland cùng PVC , 2 đơn vị thành viên gấp rút bán INT thoái vốn nhưng dựa vào kết quả thẩm định giá quá hạn, không qua đấu giá...

Theo hồ sơ tài liệu của chúng tôi có được, năm 2015, Công ty CP đầu tư dầu khí Nha Trang (INT) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận sử dụng đất diện tích 171,9 ha để thực hiện dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, trong đó có hơn 15,74 ha đất ở.
Lúc này, Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland), Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) cùng 2 đơn vị trực thuộc PVC nắm giữ 90,83% vốn điều lệ tại INT, trong đó Petroland chiếm tỷ lệ cao nhất 62,19%.

Xảo thuật né đấu giá

Năm 2016 đến giữa năm 2017, Petroland và một số đơn vị thành viên góp vốn tại INT ủy quyền cho PVC thực hiện thủ tục thoái vốn tại INT với lượng cổ phần chuyển nhượng là 4,87 triệu cổ phần, giá khởi điểm/chuyển nhượng tối thiểu: 10.000 đồng/cổ phần. Để chuyển nhượng, Ban tổ chức chào bán cổ phần (Ban TCCBCP) chọn Công ty CP chứng khoán dầu khí (PSI) là đơn vị thực hiện tư vấn thoái vốn tại INT; Công ty TNHH kiểm toán và định giá V.N là đơn vị thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp (DN) tại INT.
INT là DN có vốn nhà nước, nên khi chuyển nhượng phải đấu giá, nhưng ngày 26.9.2017, Petroland có quyết định điều chỉnh phương án thoái vốn góp bằng phương thức chuyển nhượng thỏa thuận.
Nhiều dự án của Petroland bán không qua đấu giá: 'Bán' dự án 171,9 ha với giá bèo

Khu đất (chụp từ trên) của dự án INT

ảnh: C.T.V

Về việc chọn phương thức chuyển nhượng này, ngày 16.8.2017, Ban TCCBCP có văn bản “giải thích” với HĐQT của PVC: “Đối với phương thức đấu giá công khai, ngày 3.6.2016, Ban TCCBCP hoàn tất hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) xin phép đấu giá trọn lô thì đến ngày 21.6.2016, UBCKNN cho rằng: “Việc bán phần vốn của PVC và nhóm cổ đông tại INT, công ty chưa đại chúng, theo phương thức đấu giá theo lô không thuộc phạm vi áp dụng Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán cổ phần theo lô”.
Về phương thức chào bán cạnh tranh, ngày 20.11.2016, Ban TCCBCP cũng gửi văn bản cho UBCKNN xin ý kiến về phương thức chào bán cạnh tranh riêng lẻ để thực hiện thoái vốn tại INT; đồng thời xin hướng dẫn phương thức thực hiện trong trường hợp chào bán cạnh tranh riêng lẻ không phù hợp.
Sau đó, UBCKNN thông báo đã chuyển đề nghị trên cho Cục Tài chính DN Bộ Tài chính để tổng hợp và xem xét theo thẩm quyền nhưng đến nay (tức ngày 16.8.2017) chưa phúc đáp. “Như vậy đến thời điểm báo cáo phương thức chuyển nhượng đã được HĐQT PVC phê duyệt cho phép đấu giá, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận thì hai phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh không thực hiện được vì vậy Ban TCCBCP đề xuất phương thức chuyển nhượng tại phương án điều chỉnh là thỏa thuận (!?)”, Ban TCCBCP viện dẫn.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng: “Nếu DN có vốn nhà nước (trên 10 tỉ đồng) thì khi chuyển nhượng tài sản phải căn cứ luật số 69/2014/QH13 và khoản 4, điều 38, NĐ 91/2015 về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần. Theo đó, Ban TCCBCP bắt buộc thực hiện đúng theo các bước đấu giá công khai - chào bán cạnh tranh - thỏa thuận. Nghĩa là sau khi bán đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh không thành thì mới đến bước thỏa thuận”.
“Ban TCCBCP phải thực hiện các bước đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, sang thỏa thuận (phải có đầy đủ giấy tờ hồ sơ chứng minh); chứ không cần phải hỏi UBCKNN, Cục Tài chính DN của Bộ Tài chính. Việc Ban TCCBCP gửi văn bản hỏi các đơn vị của Bộ Tài chính về cách thực hiện chuyển nhượng cổ phần..., sau đó lấy văn bản trả lời chung chung đưa vào hồ sơ chuyển nhượng là xảo thuật để “né” việc thực hiện các bước chuyển nhượng đúng theo NĐ 91/2015”, ông Đinh Việt Thanh, Ủy viên HĐQT kiêm Phó giám đốc Petroland, khẳng định và bức xúc: “Thời điểm công bố kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần tại INT đã thu hút 16 tập đoàn, công ty bất động sản (BĐS) lớn và nhà đầu tư đến từ Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có nhu cầu nhận chuyển nhượng để triển khai thực hiện dự án. Nhưng không hiểu sao trong báo cáo ngày 23.11.2017 của Ban TCCBCP chỉ ghi nhận có 3 nhà đầu tư muốn nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của cổ đông tại INT. Điều lạ hơn, biên bản xác định kết quả chào bán cổ phần theo hình thức thỏa thuận ngày 20.12.2017 của Ban TCCBCP thể hiện chỉ có Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG - từng mua Công ty CP đầu tư dầu khí Thăng Long của Petroland - Báo Thanh Niên đã nêu trong bài trước) tham dự nên đương nhiên DXG được lựa chọn”.
Trả lời về việc chuyển nhượng này, ông Nguyễn Long, Giám đốc Petroland, cho rằng INT bao gồm nhiều cổ đông, thời điểm đó Petroland có ủy quyền cho PVC thực hiện chuyển nhượng. PVC có thuê PSI làm tư vấn để thực hiện chuyển nhượng cổ phần INT nên việc chuyển nhượng cổ phần bằng phương thức thỏa thuận đúng hay sai sẽ được làm rõ, nếu sai thì PSI cũng có phần trách nhiệm.

Áp thẩm định giá quá hạn để chuyển nhượng

Ngày 20.12.2017, Ban TCCBCP tổ chức chào bán cổ phần INT theo phương thức thỏa thuận cho DXG 28,65 triệu cổ phần với giá 11.519 đồng/cổ phần, tổng trị giá hơn 330 tỉ đồng. Một tuần sau, Petroland ký bán cho DXG 19,615 triệu cổ phần, được hơn 225,9 tỉ đồng..., rồi lần lượt các đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) góp vốn tại INT còn lại cũng ký bán cổ phần cho DXG.
Nghiêm trọng hơn, phi vụ chuyển nhượng này, Ban TCCBCP dựa vào chứng thư thẩm định giá (giá trị thực tế DN của INT tại thời điểm 31.12.2016 là hơn 326,3 tỉ đồng; giá trị thực tế vốn chủ sở hữu của INT tại thời điểm 31.12.2016 là 322,05 tỉ đồng, tương đương 10.210 đồng/cổ phần) có kết quả thẩm định quá thời hạn (quy định 6 tháng) để bán cho DXG là không đúng với quy định pháp luật.
Theo một lãnh đạo của Petroland, thời điểm chào bán cổ phần của INT, thị trường BĐS “nóng” trở lại nên dự án golf, biệt thự sinh thái trên rất hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Minh chứng, một dự án lớn G.B của nhà đầu tư H.T nằm gần dự án của INT đã rao bán với giá 10 triệu đồng/m2 đất (đã có cơ sở hạ tầng) tại thời điểm cuối năm 2017, cho thấy giá trị thực tế DN của INT hơn 326,3 tỉ đồng là chưa định giá chính xác giá trị BĐS của INT. Từ đó dẫn đến việc định giá sai giá trị cổ phần INT và hậu quả cuối cùng là chuyển nhượng INT cho DXG với giá quá rẻ. Giả sử INT được bán cổ phần đúng giá thị trường thì chỉ riêng 15,74 ha (phần đất ở của dự án đã nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất) nêu trên với giá 5 triệu đồng/m2 (tức 157.400 m2 x 5 triệu đồng = 787 tỉ đồng) thì đã gần gấp 3 lần tổng số tiền Petroland bán cho DXG (225,9 tỉ đồng). Chưa tính diện tích đất còn lại hơn 156 ha của dự án là đất sản xuất kinh doanh (đã trả tiền thuê đất 1 lần), mà theo quy định thì giá đất sản xuất kinh doanh bằng 30% (tương đương giá 1,5 triệu đồng/m2) đất ở liền kề. Tính ra 1,56 triệu m2 x 1,5 triệu đồng = 2.340 tỉ đồng.
Thực tế, ngày 13.4.2018, khi rà soát, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của Petroland (giai đoạn 2008 - 2017), PVC cũng thừa nhận khoản đầu tư góp vốn vào INT của Petroland không hiệu quả về mặt sử dụng vốn. Hiệu quả sử dụng vốn giảm so với lãi tiền gửi ngân hàng hơn 140 tỉ đồng.
Trước khi thoái vốn, Petroland, PVC cùng 2 đơn vị trực thuộc PVC chiếm giữ 90,83% vốn điều lệ tại INT (chủ đầu tư dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh tại xã Cam Hòa, H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), trong đó Petroland góp 200,39 tỉ đồng. Dự án có quy mô 171,9 ha, gồm: tổ hợp sân golf 36 lỗ có diện tích khoảng 115 ha, khách sạn và resort nghỉ dưỡng sinh thái có diện tích khoảng 27 ha, dịch vụ hội nghị hội thảo tiêu chuẩn 5 sao có diện tích khoảng 6,5 ha, khu nhà thấp tầng cho thuê với 293 căn nhà có diện tích khoảng 17 ha. Đường giao thông chính và các công trình đầu mối hạ tầng kiến trúc khác có diện tích khoảng 5,8 ha. Tổng mức đầu tư 2.047,65 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.