Nhiều lực cản đề án sáp nhập 637 xã, 16 huyện

10/08/2018 08:00 GMT+7

Sẽ có 16 huyện và 637 xã buộc phải sáp nhập (2 huyện không đạt tiêu chí nhưng không đặt yêu cầu sắp xếp là Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ).

Sáng 9.8, tại hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến 2021, nhiều địa phương đã bày tỏ băn khoăn về lực cản ở cấp dưới khi thực hiện đề án này và việc còn quá ít thời gian để triển khai, trong khi khối lượng công việc rất lớn.
Mới làm đề án đã có hiện tượng “chạy”
Với khối lượng xã, huyện không đạt tiêu chuẩn rất lớn (hơn 84% số xã và hơn 82% số huyện trên cả nước không đạt 1 trong 2 tiêu chuẩn về diện tích hoặc dân số), hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh mục tiêu sắp xếp đến đâu, khi thời gian còn lại chỉ hơn 1 năm. Dự thảo đề án của Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án, trong đó nhiều ý kiến đồng thuận thiên về mục tiêu đến năm 2020 sáp nhập toàn bộ số xã, huyện không đáp ứng được 50% của cả 2 tiêu chuẩn. Theo đó, sẽ có 16 huyện (có 2 huyện không đạt 50% cả 2 tiêu chí nhưng không đặt yêu cầu sắp xếp là Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ, do là huyện đảo) và 637 xã buộc phải sáp nhập.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho rằng cần tính toán kỹ về kinh phí và lộ trình sáp nhập, đặc biệt là kinh phí, khi đề án chưa hề đề cập đến vấn đề này. “Muốn nhập phải có điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng. Trong 63 xã của Hà Tĩnh phải nhập thì có 10 xã phải nhập 3 xã làm 1 chứ không phải 2, vậy phải có điều chỉnh giao thông, thủy lợi, kết cấu hạ tầng, trung tâm xã, các điểm khu dân cư... như thế nào?”, ông Sơn nêu.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, cũng nêu hiện tượng: “Xã có tâm lý nặng nề muốn T.Ư chi thêm phụ cấp. Giờ rục rịch bàn sáp nhập, tinh giản có trở lực nhất định từ đội ngũ cơ sở. Chúng tôi mới làm đề án thôi đã có hiện tượng “chạy” rồi, cũng gọi điện tác động, làm hết chuyện này chuyện kia rồi”.
"Nhân dân đồng thuận mới nên làm"
Một trong những băn khoăn của lãnh đạo các địa phương và ngay cả Bộ Nội vụ khi xây dựng đề án là việc lấy ý kiến nhân dân khi sáp nhập. Nếu không đạt tỷ lệ 50% cử tri đồng ý thì có sáp nhập hay không? Hầu hết các địa phương đều cho rằng trong trường hợp đó thì nên dừng lại, nhưng như vậy sẽ “vỡ trận”, nên cần phải tuyên truyền, vận động nhân dân kỹ lưỡng.
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Hiến pháp và luật đều quy định rõ phải lấy ý kiến nhân dân. Nhân dân đồng thuận mới nên làm, còn không đồng thuận thì không nên, không áp đặt ý chí của nhà nước”.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng nêu rõ: “Hiến pháp và luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính đều phải lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Cần làm đúng theo quy định của luật, thể hiện đúng bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân..., vấn đề trên địa bàn phải tôn trọng ý kiến nhân dân. Hình thức lấy ý kiến thế nào thì tính toán, nhưng phải thực chất, chứ không phải “đại cử tri”, chưa phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.
Phó thủ tướng cũng lưu ý: “Căn cứ diện tích, dân số cũng chỉ là điều kiện ban đầu, cần xét các yếu tố khác như văn hóa, tín ngưỡng... để tránh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, trật tự an ninh…, chứ không làm cơ học, máy móc”.
Theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về quy mô dân số, huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 80.000 người trở lên; huyện còn lại từ 120.000 người trở lên; về diện tích tự nhiên: huyện miền núi, vùng cao từ 850 km2 trở lên; huyện còn lại từ 450 km2 trở lên. Về tiêu chuẩn cấp xã: quy mô dân số xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã còn lại từ 8.000 người trở lên; diện tích tự nhiên xã miền núi, vùng cao từ 50 km2 trở lên; xã còn lại từ 30 km2 trở lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.