Nhiều sai phạm tại dự án khu đô thị Phú Lộc, Lạng Sơn

28/02/2020 06:42 GMT+7

Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra về thực hiện quy định quản lý đất đai tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, dự án khu đô thị Phú Lộc ở TP.Lạng Sơn có nhiều sai phạm.

Đáng chú ý, sau khi chia tách dự án khu đô thị Phú Lộc ở TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) thành các dự án thành phần và giao cho 4 nhà đầu tư, UBND tỉnh này đã điều chỉnh lại quy hoạch theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Ngày 27.2, Thanh tra Chính phủ (TTCP) thông báo kết luận thanh tra về thực hiện quy định quản lý đất đai tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, dự án khu đô thị (KĐT) Phú Lộc ở TP.Lạng Sơn có nhiều sai phạm.
Dự án này có diện tích 65 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2004 theo hình thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điều chỉnh quy hoạch 17 lần theo ý nhà đầu tư

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn không lập báo cáo xin phép đầu tư, lấy ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng cho phép đầu tư. Trong khi Thủ tướng chưa cho phép đầu tư, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chia tách ra thành các dự án thành phần gồm: KĐT Phú Lộc 1, 2, 3, 4 để lập báo cáo nghiên cứu khả thi như một dự án độc lập là vi phạm quy định pháp luật. Cơ chế tài chính là giao đất thực hiện dự án thu 12% quỹ đất ở sau khi thực hiện xong dự án là trái các quy định của pháp luật về đất đai và không thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khi chia tách dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng không đấu giá đất, đấu thầu công trình là vi phạm các quy định về đấu thầu. Địa phương này cũng thực hiện trái thẩm quyền khi phê duyệt các báo cáo nghiên cứu khả thi và giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án khi chưa được Thủ tướng chấp thuận. Đáng chú ý, sau khi giao các dự án thành phần cho 4 nhà đầu tư, UBND tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần điều chỉnh lại quy hoạch theo yêu cầu của nhà đầu tư: KĐT Phú Lộc 1 và 2 là 11 lần, KĐT Phú Lộc 3 là 5 lần, KĐT Phú Lộc 4 là... 17 lần.
Sau nhiều lần điều chỉnh, diện tích đất ở tại các dự án tăng lên hơn 77.000 m2 nhưng diện tích cây xanh, khu vui chơi... giảm hơn 74.000 m2. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng giao các nhà đầu tư thực hiện nhiều công trình tại dự án, gồm: đường, trường mầm non, 8 nút giao thông và 3 tuyến đường với tổng số tiền hơn 122 tỉ đồng... Theo TTCP, kinh phí này có nguồn gốc từ ngân sách nhưng không lập dự án, không duyệt thiết kế và dự toán, không chọn nhà thầu, không có hợp đồng xây dựng... vi phạm các quy định của luật Xây dựng, luật Đấu thầu.

Thu hồi đất, không thông báo cho dân

Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn thu hồi gần 142.000 m2 đất cho KĐT Phú Lộc 1 và 323.000 m2 đất cho KĐT Phú Lộc 4, là trái thẩm quyền. Tại KĐT Phú Lộc 2, 3 và các nút giao thông đã không lập các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Các quyết định thu hồi đất cũng không tuân thủ quy định nên khi kê khai không xác định được căn cứ để xét duyệt tái định cư. Sau 14 năm triển khai, các dự án thành phần cũng không đạt tiến độ. Đáng chú ý, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các quyết định giao quỹ đất ở tại dự án cho nhà đầu tư dự án để chuyển nhượng. Cụ thể, tại KĐT Phú Lộc 1 và 2, UBND tỉnh này ra 10 quyết định giao cho nhà đầu tư 477 ô đất có tổng diện tích 49.000 m2 quỹ đất ở. Đến nay, nhà đầu tư này đã chuyển nhượng 391/477 ô, thu hơn 153 tỉ đồng. Tại dự án KĐT Phú Lộc 4, UBND tỉnh ban hành 35 quyết định, giao cho nhà đầu tư 797 ô đất, nhà đầu tư đã chuyển nhượng hết, thu 480 tỉ đồng. Theo kết luận thanh tra, việc giao đất ở thuộc dự án cho nhà đầu tư để bán nhưng không thu tiền sử dụng đất là trái quy định luật Đất đai, gây thất thu cho ngân sách.
TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn tính toán lại diện tích quỹ đất 12% khi phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và việc nhà đầu tư được giao thực hiện các công trình công cộng để đối trừ; đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành các thời kỳ liên quan đến sai phạm để có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.