Những con đường của tuổi đôi mươi: Ký ức ngày trở lại

22/05/2019 09:54 GMT+7

Những tiếng nấc nghẹn ngào, những đôi mắt đỏ hoe và cũng không ít nụ cười đoàn viên, là những gì chúng tôi ghi nhận được trong hành trình trở lại chiến trường xưa do Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức.

Ngày 16.5, trung tâm xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch rộn ràng khác thường bởi sự xuất hiện của 400 đại biểu là cựu Thanh niên xung phong (TNXP), đoàn viên, thanh niên, sinh viên tiêu biểu đến từ 15 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM và các đoàn trực thuộc. Đoàn tụ hội về để dự hành trình thăm lại chiến trường xưa, thăm các di tích lịch sử đường Trường Sơn trên đất lửa Quảng Bình. Tham dự đoàn có ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội Cựu TNXP VN; anh Bùi Quang Huy, Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đoàn - Chủ tịch Hội sinh viên VN; các đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành T.Ư; đại diện các ban, đơn vị T.Ư Đoàn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm đường 20 Quyết Thắng ẢNH: TƯ LIỆU TNXP
Một đoạn đường 20 Quyết Thắng trong chiến tranh ẢNH: TƯ LIỆU TNXP

Nơi đó đồng đội tôi nằm xuống

Đúng 7 giờ, đoàn xuất phát trực chỉ hướng đường Hồ Chí Minh nhánh đông, qua di tích lịch sử trọng điểm cầu Xuân Sơn, đến Km 0 - đường Hồ Chí Minh nhánh tây rồi theo tuyến này đi gần 10 km nữa thì đến điểm dừng chân đầu tiên của hành trình: ngã tư Trạ Ang (H.Bố Trạch).
Ông Ánh đang kể chuyện thời chiến cho Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nghe ẢNH: T.Q.N
Đoàn bất ngờ bởi hoạt cảnh trực tiếp tại ngã tư do Tỉnh đoàn Quảng Bình thực hiện. Các đoàn viên thanh niên trong màu áo xanh, đội mũ tai bèo, tay cầm cờ đứng thành hàng dài dọc theo đường 20 Quyết Thắng; đối diện bên kia là đoàn đại biểu các cựu TNXP. Khi tiếng nhạc hành quân bắt đầu, bỗng xuất hiện các chiến sĩ bộ đội tay chống gậy Trường Sơn, vai mang ba lô có lá ngụy trang hành quân từ dưới dốc khuất đi lên.
Các chiến sĩ được các nữ đoàn viên thanh niên tiến đến tặng những bó hoa rừng nhỏ trong tiếng reo hò vỗ tay không ngớt của các cựu TNXP. Đoàn hành quân đi qua, các cựu TNXP liên tục vẫy tay chào. Đã có những giọt nước mắt rơi vì xúc động, bởi hình ảnh chiến trường, hình ảnh hành quân và hình ảnh chính mình đang được tái hiện ngay trước mắt, ngay tại trận địa năm xưa.
Các cựu TNXP kể chuyện cho đoàn viên thanh niên nghe bên cây Rao Ráng tại hang Tám Cô ẢNH: T.Q.N
Đoàn đến dâng những nén hương lên tấm bia di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh - ngầm Trạ Ang. Tấm bia đôi phần phai mờ vì lâu ngày và nắng gió Trường Sơn. Ông Vũ Trọng Kim cẩn thận đọc từng chữ trên tấm bia cho các cựu TNXP, các bạn trẻ nghe: Đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn nhánh tây đoạn Trạ Ang - U Bò, đường 20 Quyết Thắng nối đông tây Trường Sơn được xây dựng năm 1965 - 1966; chỉ huy sở Binh trạm 14 và tổng kho; trọng điểm đánh phá ngăn chặn ác liệt của không quân Mỹ…
Đội TNXP 81 (Thái Bình) với 600 người làm nhiệm vụ từ ngầm Bùng qua Phong Nha đến Trạ Ang. Vì thế, khi đứng tại trọng điểm năm xưa, các cựu TNXP 81 bồi hồi khó tả.
Ông Vũ Trọng Kim đang đọc những dòng chữ khắc trên bia di tích ở ngầm Trạ Ang ẢNH: T.Q.N
Theo dõi diễn tiến của hành trình nhưng bác Hoàng Công Ánh, nguyên Đội phó Đội TNXP 81 thỉnh thoảng vẫn lia mắt ra xung quanh; đồi Trạ Ang còn đó nhưng đồng đội bác đã mãi mãi đi xa. Năm 1965, ở tuổi 20, bác Ánh vào Quảng Bình theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Các cựu TNXP thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại di tích ngầm Trạ Ang ẢNH: T.Q.N
Bác Ánh nhớ lại: “Trạ Ang một bên núi cao một bên ngầm sâu. Giữ được chỗ này thì huyết mạch mới thông suốt. 13 cô gái làm nhiệm vụ canh máy bay đã hy sinh trên đỉnh Trạ Ang, cô đầu tiên hy sinh là Phạm Thị Nga. Đối với chúng tôi, tim này còn đập thì đường phải thông, đó là mục tiêu, ý chí của TNXP đường Trường Sơn. Năm 1968, tôi nhớ có 1 trận, tôi được Chính ủy binh trạm 14 gọi lên giao nhiệm vụ sau 1 ngày Đội TNXP 81 phải mở thông trọng điểm này, vì Mỹ đánh phá mấy ngày liền khiến đường bị tắc, hàng trăm xe đang chờ hai đầu trọng điểm. Đội TNXP chúng tôi hứa là quyết tâm vào 6 giờ tối ngày hôm sau sẽ thông con đường này. Ngày hôm sau chúng tôi vào trọng điểm tổ chức lực lượng thì Mỹ lại đánh liên tục, nhưng với ý chí quyết tâm phải bảo vệ tuyến đường, thông đường cho đoàn xe ra trận, là tinh thần hy sinh của TNXP nên chúng tôi mở bằng được và cho đến 7 giờ tối thì tôi bắt tay trạm trưởng ở ngay trên trọng điểm”.
Trở lại chiến trường xưa, các cựu TNXP vui khi được thắp hương cho đồng đội, được nói chuyện với những người đã kề cận sinh tử. Và sự đổi thay cũng khiến các cựu TNXP rất đỗi tự hào.

Con đường của niềm tin

Rời Trạ Ang, đoàn vào dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đường 20 Quyết Thắng, tại hang Tám Cô cách đó mấy cây số; sau đó đến dâng hương tại đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại (H.Quảng Ninh). Hành trình đã mang lại quá nhiều cảm xúc, không chỉ với các cựu TNXP mà còn cả với thế hệ trẻ.
Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy và Chủ tịch Hội cựu TNXP VN Vũ Trọng Kim thắp hương tại Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng ẢNH: T.Q.N
Nói về kỳ vọng của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, phát biểu với các bạn trẻ, anh Bùi Quang Huy nói: “Chúng tôi mong mỗi bạn thanh niên, sinh viên VN nhận thức rõ hơn giá trị của nền hòa bình, độc lập chúng ta đang được hưởng, và quyết tâm học tập, rèn luyện ngày càng tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, lòng tin yêu, sự kỳ vọng của của nhân dân, đất nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuổi thanh xuân của cha anh đi trước đã hiến dâng cho Tổ quốc, cho hòa bình, độc lập, thống nhất. Tuổi thanh xuân của tuổi trẻ hôm nay phải dành trọn cho khát vọng dựng xây và bảo vệ Tổ quốc VN, phải góp phần đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dặn dò của Bác Hồ kính yêu”.
Hành trình trở lại chiến trường xưa Quảng Bình là một trong những hoạt động kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn (1959 - 2019), chào mừng kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19.5.1890 – 19.5.2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Người và kỷ niệm 69 năm ngày thành lập lực lượng TNXP VN (15.7.1950 – 15.7.2019); đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của đường Trường Sơn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
 
Hơn 1.088 cán bộ, chiến sĩ TNXP Ban Xây dựng 67 vĩnh viễn nằm lại đất Quảng Bình anh hùng và được quy tập về 3 nghĩa trang. Năm 2000, công trình thế kỷ đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.