Những cột mốc đáng nhớ về hầm Thủ Thiêm

20/11/2011 14:05 GMT+7

(TNO) Hầm chui vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á khánh thành, đồng thời toàn tuyến đại lộ Đông Tây được thông xe đã đem lại bộ mặt mới cho giao thông TP.HCM.

(TNO) Chiều nay 20.11, hầm chui vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á khánh thành, đồng thời toàn tuyến đại lộ Đông Tây được thông xe đã đem lại bộ mặt mới cho giao thông TP.HCM.

>> Không còn thấm nước trong hầm Thủ Thiêm
>> Lưu thông qua hầm Thủ Thiêm như thế nào?
>> Đại lộ Đông Tây "thay áo mới" sau 6 năm

Là hạng mục quan trọng nhất của dự án đại lộ Đông Tây, hầm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m. Đường hầm bao gồm 585m hầm dẫn phía Khánh Hội (Q.1), 535m hầm dẫn phía Thủ Thiêm (Q.2) và phần dìm dưới sông có chiều dài 370m gồm 4 đốt hầm.

 
Xe lưu thông trong hầm Thủ Thiêm - Ảnh: Nguyên Mi

Mặt cắt ngang của hầm rộng 33,3m với hai lối thoát hiểm và hai hướng lưu thông. Tổng cộng có 6 làn xe lưu thông trong hầm (3 làn mỗi chiều: 2 cho ôtô và 1 cho xe gắn máy).

Đốt hầm dìm là kết cấu bê tông cốt thép, có nhiều ngăn rỗng. Ngoài ra, công trình còn có 2 tháp thông gió và nhiều hệ thống kỹ thuật khác. Đây là đường đô thị cấp 1 và có thiết kế cho phép vận tốc lưu thông tối đa 60 km/h.

Toàn tuyến đại lộ Đông Tây TP.HCM có tổng chiều dài 21,89km, là tuyến đường xuyên tâm dài nhất TP.

Công trình có tổng mức đầu tư trên 9.863 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Riêng gói thầu hầm Thủ Thiêm có vốn đầu tư 2.083 tỉ đồng và do nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) thi công.

Kéo giảm 30 phút thời gian đi từ tây sang đông 

Phóng viên Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, về vai trò của đại lộ Đông Tây trong hệ thống giao thông TP.HCM.

* Dự kiến lưu lượng xe cộ qua đại lộ Đông Tây mỗi ngày là bao nhiêu? Liệu tuyến đường có giúp giảm ùn tắt giao thông tại TP.HCM?


Ảnh: Diệp Đức Minh

- Ông Lương Minh Phúc (ảnh): Dự kiến mỗi ngày sẽ có 40.000 ôtô và hơn 10.000 xe gắn máy ưu thông qua đường hầm Thủ Thiêm nói riêng và đại lộ Đông Tây nói chung.

Tuyến đường đưa vào hoạt động sẽ giảm tải đáng kể lượng xe qua khu vực trung tâm TP khi đi từ tây sang đông như trước kia, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, khi đại lộ Đông Tây được đưa vào khai thác cũng san sẻ bớt lượng xe qua cầu Sài Gòn theo hướng từ phía đông TP vào trung tâm cũng như theo hướng ngược lại. Cầu Sài Gòn hiện là cửa ngõ ra vào TP và hiện đang quá tải. Thêm vào đó, khi đường nối Phú Mỹ và Tỉnh lộ 25B hoàn thành, trục đường đi từ phía đông sang tây càng thêm thông thoáng. 

Tôi nghĩ rằng, tình hình giao thông sẽ được thay đổi rất nhiều sau khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng.

* Thời gian đi lại của người dân được tiết kiệm ra sao?

- Ông Lương Minh Phúc: Nếu đi từ đầu nút giao thông Tân Kiển (huyện Bình Chánh) theo suốt tuyến đại lộ Đông Tây đến nút giao thông Cát Lái sẽ mất từ 50 đến 60 phút. Như vậy, thời gian di chuyển giảm được khoảng 30 phút so với trước đây khi người dân lưu thông qua trung tâm TP theo trục cầu Sài Gòn.

Bên cạnh đó, hầm Thủ thiêm được đưa vào sử dụng sẽ nối kết đôi bờ sông Sài Gòn, rút ngắn được quãng đường từ Q.1 sang Q.2. Chỉ cần đi khoảng 3-4 phút qua hầm chui Thủ Thiêm là có thể qua lại giữa Q.1, Q.2. Đây là con đường ngắn nhất nối trung tâm TP với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

* Tuyến đại lộ Đông Tây có vai trò như thế nào trong  hệ thống giao thông của TP.HCM?

- Ông Lương Minh Phúc: Đại lộ Đông Tây là tuyến đường xuyên tâm quan trọng và dài nhất TP nối liền từ đông sang tây, đi qua địa bàn 8 quận, huyện gồm quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Công trình góp phần quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM.

Khi nối kết nút giao thông An Phú ở phía đông đại lộ Đông Tây vào nút giao thông Long Thành - Dầu Giây và nút giao Tân Kiên (Bình Chánh) ở phía tây chạy thẳng ra đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì chúng ta không chỉ có trục giao thông xuyên tâm của TP mà còn có trục giao thông chiến lược liên vùng giữa TP.HCM với Đông Nam Bộ và ĐBSCL, tạo động lực phát triển chung cho toàn khu vực trong thời gian tới.

Ngoài ra, dự án đại lộ Đông Tây còn góp phần chỉnh trang đô thị. Song song với việc thi công đại lộ Đông Tây, toàn bộ tuyến kênh Tàu Hủ Bến Nghé đã được cải tạo, nạo vét cũng làm đẹp thêm cảnh quan khu vực.

Tuyến đường là điểm nhấn về đô thị, môi trường cho TP.HCM.

* Xin cám ơn ông!

Viên An
(thực hiện)

Lưu thông qua hầm Thủ Thiêm như thế nào?

Hầm Thủ Thiêm nằm trên trục đại lộ Đông Tây vượt sông Sài Gòn có chiều dài 1,49km, bề rộng 33,3m, bao gồm 6 làn xe.

Cửa hầm ở Q.1 nằm tại vị trí đường Phó Đức Chính quẹo trái vào đại lộ Đông Tây. Hướng từ Q.1 vượt qua đường hầm sẽ ra tuyến đường mới Thủ Thiêm, đến nút giao thông Cát Lái và chạy thẳng ra xa lộ Hà Nội.

 
Sơ đồ lưu thông qua hầm Thủ Thiêm - Ảnh: tư liệu

Qua hầm Thủ Thiêm, các phương tiện giao thông rẽ trái sẽ đi vào hướng cầu Thủ Thiêm qua Q.Bình Thạnh hoặc vào đường Lương Định Của; phương tiện giao thông rẽ phải sẽ ra liên tỉnh lộ 25B để đi về hướng cảng Cát Lái, cầu Phú Mỹ...

Hướng từ Q.9, Thủ Đức muốn vào trung tâm TP qua hầm Thủ Thiêm thì từ xa lộ Hà Nội có thể rẽ trái tại ngã ba Cát Lái để vào đường mới Thủ Thiêm (thay vì đi qua hướng cầu Sài Gòn). Sau đó, qua hầm Thủ Thiêm để vào trung tâm Q.1.

Hướng cảng Cát Lái, Nguyễn Thị Định, muốn vào trung tâm Q.1 sẽ rẽ trái chạy thẳng qua đường hầm vào trung tâm Q.1.

Các phương tiện giao thông được lưu thông trong hầm

Xe ôtô con và xe ôtô khách được phép lưu thông qua hầm Thủ Thiêm 24/24 giờ.

Xe mô tô và xe gắn máy chỉ được lưu thông trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ.

Xe tải nhẹ (có tải trọng dưới 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải dưới 5 tấn) được phép lưu thông qua hầm từ 8 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Xe tải nặng (có tổng trọng tải từ 5 tấn trở lên) được phép lưu thông qua hầm từ 24 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Cấm lưu thông đối với: người đi bộ; phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; xe 3, 4 bánh tự chế; xe cơ giới không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật; xe bánh xích; xe vận chuyển súc vật sống không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; xe vận chuyển hàng độc hại, chất dễ cháy, chất nổ, hàng nguy hiểm.

Đặc biệt, xe ôtô có tổng tải trọng trên 30 tấn và các loại xe kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc; xe ôtô kể cả hàng hóa có chiều cao lớn hơn 4,2m hoặc có chiều ngang lớn hơn 2,5m chỉ được phép lưu thông qua hầm khi được cơ quan thẩm quyền cho phép.

Đồng thời, Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm khuyến cáo người lưu thông qua hầm bằng xe gắn máy nên sử dụng loại nón bảo hiểm chụp kín tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn và hạn chế chở trẻ em qua hầm bằng xe gắn máy.

Các quy định khi lưu thông trong hầm Thủ Thiêm

1. Tốc độ và khoảng cách:
- Đối với xe ôtô:
+ Tốc độ tối đa cho phép: 60km/giờ
+ Tốc độ tối thiểu cho phép: 30km/giờ
+ Khoảng cách tối thiểu giữa các xe trên cùng làn xe: 30m
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy:
+ Tốc độ tối đa cho phép: 40km/giờ

2. Các hành vi nghiêm cấm:
- Bấm còi
- Bật đèn ưu tiên (trừ những xe ưu tiên theo quy định)
- Bật đèn ở chế độ chiếu xa và các loại đèn có ánh sáng mạnh khác
- Dừng, đỗ xe

3. Trách nhiệm của người lái xe:
- Bật đèn ở chế độ chiếu gần
- Mở radio sóng AM các tần số: 655KHz hoặc 610KHz hoặc 588KHz

Những cột mốc hình thành hầm Thủ Thiêm

- Ngày 13.9.2007, tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đã đổ mẻ bê tông đầu tiên của đốt hầm dìm Thủ Thiêm (ảnh).

 
Ảnh: Mai Vọng

- Ngày 7.3.2010, đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) về khu vực xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (bờ phía Thủ Thiêm, Q.2).


Phát súng hiệu báo bắt đầu quá trình lai dắt đốt hầm từ Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: Mai Vọng


Việc đánh dìm đốt hầm số 1 kéo dài từ 9 giờ sáng đến 23 giờ đêm 8.3.2010. Đốt hầm được kết nối thông với hầm dẫn phía Thủ Thiêm vào ngày 10.3.2010.

- Ngày 5.4.2010, đốt hầm số 2 được lai dắt. Công tác dìm hầm diễn ra vào ngày 6.4.2010.


Đốt hầm Thủ Thiêm được lai dắt trên sông Sài Gòn
- Ảnh: Diệp Đức Minh

- Ngày 5.5.2010, đốt hầm Thủ Thiêm số 3 đã được lai dắt về đến vị trí lắp đặt an toàn. Đốt hầm này được đánh dìm và kết nối vào đúng vị trí thiết kế với đốt hầm số 2 vào ngày 6.5.2010.


Đốt hầm nhìn từ trên cao xuống đang trong quá trình lai dắt - Ảnh: Diệp Đức Minh

- Ngày 4.6.2010, đốt hầm Thủ Thiêm cuối cùng đã được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) về đến vị trí lắp ráp tại Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm, bên phía bờ Q.1 (TP.HCM).

Đốt hầm cuối cùng của công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm cũng đã được kết nối thành công với đốt số 3 vào chiều tối cùng ngày (4.6.2010).

 
Đốt hầm vào vị trí lắp ráp - Ảnh: Nghĩa Phạm

- Ngày 4.8.2010, đổ mẻ bê tông đầu tiên bên trong đường hầm Thủ Thiêm để nối đốt hầm số 4 với phần đầu đoạn hầm dẫn phía Q.1.

- Rạng sáng 5.9.2010, hoàn tất việc đổ mẻ bê tông cuối cùng lên bản nóc đốt hợp long đường hầm Thủ Thiêm.

- Ngày 21.9.2010, lễ hợp long hầm chui Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.


Lễ hợp long hầm Thủ Thiêm - Ảnh: Diệp Đức Minh 

- Ngày 20.11.2011, thông xe toàn tuyến đại lộ Đông Tây, khánh thành hầm Thủ Thiêm.

Nguyên Mi

5 hầm chui dài nhất thế giới

Trên thế giới cho đến nay có nhiều hầm chui nổi tiếng và tuyến hầm chui dài nhất lên đến 24,51km.

1. Hầm chui Laerdal

Hầm chui Laerdal ở Na Uy được coi là hầm chui dài nhất thế giới với chiều dài 24,51km, nối thủ đô Oslo với Bergen của nước này. Công trình được xây dựng để tránh các con đường vượt núi cao hiểm trở cũng như những tuyến phà băng qua nhiều vịnh, vốn mất quá nhiều thời gian di chuyển.

Hầm chui Laerdal được xây dựng từ năm 1995 và khánh thành vào tháng 11.2000.

Theo CNN, hầm chui trên có tổng vốn đầu tư 113,1 triệu USD.


Bên trong hầm chui dài nhất thế giới - Ảnh: thetoptenlist.net

Các kỹ sư xây dựng cho biết họ đã lắp đặt nhiều thiết bị công nghệ cao để giúp giảm thiểu rủi ro cháy nổ. Tường của hầm chui đều được xây với chất liệu không bén lửa. Đường hầm có 48 vị trí để các phương tiện rẽ vào ẩn nấp thoát hiểm trong các trường hợp khẩn cấp, đồng thời còn có 15 điểm quay đầu xe.

Ngoài ra, cứ mỗi 114m lại có các bình chữa cháy và cứ mỗi 250m có một hộp điện thoại khẩn ký hiệu SOS nối trực tiếp với cơ quan cảnh sát, bệnh viện và đội cứu hỏa…

2. Hầm chui Chung Nam Sơn

Hầm chui Chung Nam Sơn (ảnh) dài 18km, được coi là hầm chui dài thứ hai thế giới và dài nhất châu Á, được xây xuyên qua ngọn núi Chung Nam tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).

Hầm chui Chung Nam Sơn có tổng vốn đầu tư 410 triệu USD, khởi công vào năm 2002 và khánh thành vào năm 2007.


Ảnh: tunnelbuilder.com

Hầm chui này giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển và cắt giảm chi phí vận tải từ thành phố Tây An (thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) đến các huyện khác.

Theo Tunnelbuilder.com, hầm chui Chung Nam Sơn được thiết kế ở dạng đường hầm kép. Mỗi đường hầm có chiều rộng 10,92m, chiều cao 6m, với 2 làn xe.

3. Hầm chui Gotthard

Hầm chui Gotthard của Thụy Sĩ dài 16,91km, nối Goschenen (bang Uri) với Airolo của bang Ticino, được coi là dài thứ ba thế giới. Công trình được khánh thành vào tháng 9.1980.


Ảnh: Thetoptenlist.net

Ban đầu, người ta xây dựng đường hầm này ở dạng đường hầm kép, phân thành đường hầm nam và bắc. Tuy nhiên, chỉ có đường hầm bắc là được đưa vào khai thác, còn đường nam thì dùng phục vụ cho công tác cứu hộ, giúp các phương tiện thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.

Nhưng sau đó, vào năm 1986, đường hầm nam đã được thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng lớn.

4. Hầm chui Arlberg

Hầm chui Arlberg của Áo dài 13,97km, là hầm chui dài nhất nước này và dài thứ tư của thế giới.


Ảnh: Thetoptenlist.net

Công trình hầm chui Arlberg được xây xuyên núi Arlberg, nối giữa bang Tyrol và Vorarlberg, khởi công vào năm 1974 và khánh thành vào năm 1978, với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Hầm chui này có 12 lối thoát hiểm, 43 camera quan sát giao thông.

5. Hầm chui Tuyết Sơn

Hầm chui Tuyết Sơn có chiều 12,94km, được khánh thành vào tháng 6.2006. Hiện đây là hầm chui dài nhất Đài Loan và dài thứ năm thế giới.


Ảnh: Thetoptenlist.net

Hầm chui Tuyết Sơn giúp rút ngắn hành trình đi từ thủ phủ Đài Bắc đến huyện Nghi Lan xuống còn nửa tiếng đồng hồ so với 2 tiếng đồng hồ trước đây.

Hầm chui Tuyết Sơn sử dụng 370.000m3 bê tông, 2.000km dây cáp, 2.000 thiết bị thắp sáng...

Do gặp nhiều sự cố về địa chất trong quá trình xây dựng, khiến nhiều lần bị trì hoãn nên công trình này phải mất 15 năm mới hoàn thành và tiêu tốn hết 2,83 tỉ USD.

Trí Quang (tổng hợp)

>> Không còn thấm nước trong hầm Thủ Thiêm
>> Lưu thông qua hầm Thủ Thiêm như thế nào?
>> Dời lễ khánh thành hầm Thủ Thiêm
>> Đại lộ Đông Tây "thay áo mới" sau 6 năm
>> Lái xe ẩu trong hầm Thủ Thiêm sẽ bị truy tố
>> Xây dựng phương án thu phí hầm Thủ Thiêm
>>
Ngày 20.11, thông xe hầm Thủ Thiêm
>> Nghẹt thở xem diễn tập chữa cháy, cứu nạn trong hầm Thủ Thiêm
>> Kiểm tra độ chống thấm 4 đốt hầm Thủ Thiêm
>> Đổ mẻ bê tông cuối cùng của đường hầm Thủ Thiêm
>> Đổ mẻ bê tông đầu tiên hợp long hầm Thủ Thiêm
>>
Cháy ở đường dẫn hầm Thủ Thiêm
>>
Kết nối thành công đốt hầm Thủ Thiêm cuối cùng
>>
Đốt hầm Thủ Thiêm cuối cùng đã về đích an toàn
>>
Chuẩn bị lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 4
>>
Giải thích hiện tượng thấm tại hầm Thủ Thiêm
>>
Đốt hầm Thủ Thiêm số 3 vào vị trí lắp ráp
>>
Chuẩn bị lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 3
>>
Vào nơi sâu nhất hầm Thủ Thiêm
>>
Thông đốt hầm Thủ Thiêm số 2
>>
Đốt hầm Thủ Thiêm số 2 về đích an toàn
>>
Chuẩn bị lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2
>>
Thông đốt hầm số 1 với hầm dẫn phía Thủ Thiêm
>>
Đốt hầm Thủ Thiêm (số 1) đến vị trí lắp ráp an toàn
>>
Hành trình dìm hầm Thủ Thiêm
>>
116 ngày dìm hầm Thủ Thiêm
>>
4 đốt hầm Thủ Thiêm đạt chất lượng
>>
Kiểm tra độ chống thấm 4 đốt hầm Thủ Thiêm

Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.