Những dịch vụ nào được ‘cấp’ qua cổng dịch vụ công quốc gia từ tháng 11?

01/11/2019 09:57 GMT+7

Ngay trong ngày khai trương vào cuối tháng 11 này, cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện việc đổi giấy phép lái xe, nộp thuế điện tử với doanh nghiệp, hay đăng ký cấp điện, thanh toán tiền điện.

Sáng nay 1.11, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị khai trương chính thức cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) vào cuối tháng 11 này.
Theo đó, sau khi cổng DVCQG đi vào vận hành, người dân chỉ cần đăng ký mở một tài khoản (qua số điện thoại, nhập số chứng minh nhân dân hoặc số định danh) và được (cổng dịch vụ công) xác thực với cơ sở dữ liệu của thuế, bảo hiểm xã hội, từ đó trở đi sẽ dễ dàng truy cập vào cổng DVCQG bằng nhiều loại thiết bị (máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng - có kết nối internet) bất cứ lúc nào và ở đâu để đăng ký sử dụng các dịch vụ công, cũng như giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.
Để đảm bảo tính an toàn thông tin cho người sử dụng, hệ thống cũng sẽ xác thực bằng mã OPT về số điện thoại mà người dân đăng ký. Đây là mức bảo mật ngang với các ngân hàng đang sử dụng khi thanh toán trực tuyến.
Ông Nguyễn Đình Lợi, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết ngay khi khai trương, cổng DVCQG sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục sau: đổi giấy phép lái xe (mức độ 3); cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mại; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử với doanh nghiệp; cấp mới điện hạ áp và trung áp; thanh toán tiền điện.
Tiếp đó, trong tháng 12 sẽ tích hợp thêm các dịch vụ công: nộp thuế điện tử với cá nhân; huỷ tờ khai hải quan; bổ sung hồ sơ hải quan; nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đến quý 1/2020, triển khai tiếp các dịch vụ như nộp tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ; đổi giấy phép lái xe (mức độ 4), cấp mới giấy phép lái xe; đăng ký kinh doanh; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngày vận hành cổng DVCQG sắp tới sẽ là điểm khởi đầu, nền tảng mang tính chất quan trọng của cổng DVCQG. Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan và các địa phương cần rà soát lại toàn bộ thủ tục, xác thực lại toàn bộ nội dung, thực hiện kết nối để chuẩn bị cho vận hành cổng DVCQG cũng như từng bước đưa lên những dịch vụ thiết yếu.
“Đây là công việc thường xuyên, liên tục với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức; là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công”, ông Dũng nói.

Giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính

Nói thêm về tiện ích của cổng DVCQG, ông Nguyễn Đình Lợi cho biết, trước tiên là giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công thông qua cắt giảm thủ tục, trình tự kiểm tra, xác nhận đối với các thông tin được truy xuất từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được tích hợp như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm.
Giấy tờ, thông tin của cá nhân, tổ chức đã cung cấp một lần thành công thì được tái sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau và kết quả giải quyết được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống.
Ông Lợi khẳng định cổng DVCQG là địa chỉ cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công đầy đủ, tin cậy, chính xác, được bảo đảm thi hành của Chính phủ, tạo môi trường công khai, minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giám sát, đánh giá, phản ánh, kiến nghị về quy định và việc thực hiện của cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, đối với nhà nước, cổng DVCQG hạn chế việc đầu tư dàn trải hệ thống thông tin qua việc cung cấp các nền tảng, dữ liệu dùng chung, bao gồm cơ sỡ dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; hệ thống phản ánh, kiến nghị…
Cùng với đó, sự ra đời của cổng DVCQG giúp tăng tính kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Việc thực hiện cổng DVCQG cũng sẽ giúp chuẩn hoá việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.