Những hình ảnh của phi công người Anh khi rời TP.HCM

11/07/2020 22:00 GMT+7

Phi công người Anh , bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 91, đã rời TP.HCM, ra Hà Nội, trở về nước.

Lúc 17 giờ 30 ngày 11.7, phi công người Anh nhiễm Covid-19, bệnh nhân 91 đã được chữa trị khỏi bệnh, được các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Phòng khám Gia đình (đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển trong quá trình đưa phi công người Anh về nước ) từ Khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU) xuống dưới sảnh Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó phi công người Anh được đưa lên xe cấp cứu đợi sẵn và trực chỉ sân bay Tân Sơn Nhất.

Một ca xuất viện khá đặc biệt

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Phi công người Anh không ngồi xa lăn mà nằm trên băng ca, có 2 gối kê cao đầu và được thắt dây an toàn chắc chắn.

Tinh thần phi công người Anh trông khá tốt.

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Lúc 18 giờ 30 giờ cùng ngày, phi công người Anh được đưa lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Nội Bài (Hà Nội) để lúc 21 giờ 15 cùng ngày khởi hành đi Anh. Chuyến bay này quá cảnh tại Frankfurt (Đức). 

Xe cấp cứu đưa phi công người Anh vào sân bay

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Phi công người Anh về nước trên máy bay Boeing 787-10 Dreamliner của Việt Nam Airlines. Đây cũng là dòng máy bay mà phi công người Anh từng lái trước đó.
Một bác sĩ, một điều dưỡng của Phòng khám Gia đình chịu trách nhiệm hỗ trợ phi công người Anh trong suốt quá trình bay. Tất cả mọi phương án đã được đặt ra.

Phi công người Anh rời TP.HCM

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trong cuộc họp sáng cùng ngày, lãnh đạo Bộ Y tế hy vọng phi công người Anh về quê hương an toàn trong hoàn cảnh bệnh trạng đang giai đoạn hồi phục.

Sáng 11.7, Đoàn bay 919 đến động viên đồng nghiệp và hứa tạo cảm giác cho phi công người Anh trở lại như một phi công

ẢNH: BVCC

Phi công người Anh đã được điều trị như thế nào?

Phi công người Anh được Bộ Y tế công bố nhiễm Covid-19 vào ngày 18.3, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đây là bệnh nhân thứ 91 tại Việt Nam nhiễm Covid-19.
Trước đó, ngày 14.3, phi công người Anh này đã từng đến bar Buddha ở Q.2.
Ngay từ ngày đầu nhập viện, các y bác sĩ tiên lượng phi công người Anh rất nặng do tải lượng virus quá cao. Phi công người Anh thở ô xy ngay từ đầu, từ thở không xâm nhập đến thở xâm nhập.

Phi công người Anh nhanh chóng tiến đến các biến chứng ARDS (suy hô hấp cấp tiến triển nhanh), “cơn bão cytokine ào ạt”, vi huyết khối, xuất huyết - rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng (tổn thương thận, tổn thương gan), nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu... và sự sống chỉ còn trong gang tấc.

ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) là biện pháp cuối cùng để phổi bệnh nhân nghỉ ngơi, chờ phổi hồi phục thì phi công người Anh sẽ sống, nếu không thì sẽ ghép phổi. Song song đó là lọc máu. Phi công người Anh được sử dụng nhiều loại thuốc an thần để nằm yên

BN 91 phi công người Anh nói gì trước khi chuẩn bị lên máy bay về nước?

Khi phổi hồi phục từ 20 - 30%, ngày 22.5, phi công người Anh được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy với phương án ghép phổi.

Bệnh viện Chợ Rẫy với thế mạnh là có nhiều chuyên khoa phối hợp, phi công người Anh dần được cho hồi tỉnh (giảm thuốc an thần) tiến đến ngưng lọc máu, ngưng ECMO để bệnh nhân tập thở và dần cai máy thở. Phi công người Anh đã hồi phục mà không cần ghép phổi.

 

Đêm nay, phi công người Anh hồi hương như thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.