Thắp nén nhang, nhớ Đỗ Cường
Thật buồn, khi tôi viết những dòng này, Đỗ Cường đã mất hơn 100 ngày. Ngày Đỗ Cường mất, tôi đến thắp nhang. Điều bất ngờ, đám tang của Cường có hàng trăm người chạy ba gác ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai đến viếng, tiễn đưa. Với họ, Đỗ Cường đáng quý bởi cái tình, đáng kính nể về nghị lực vươn lên. Vợ Đỗ Cường khóc ngất tâm sự: “Ảnh có nói với em về anh. Những gì ảnh tâm sự với anh, anh cố gắng chia sẻ để mọi người hiểu về ảnh và cuộc sống của anh em chạy ba gác”.
Cường có gương mặt thư sinh, rất hiền lành, không có nét gì sương gió của dân ba gác. Lại càng khó tin anh từng là một giang hồ thứ thiệt. Câu chuyện về một thời dữ dội được chàng trai sinh năm 1986 này chắp nhặt kể lại loang lổ. “Năm 17 tuổi em đã chơi heroin. Chất ma túy nó tẩy não mình, giờ cứ nhớ nhớ quên quên”, Cường thật thà thổ lộ.
Năm 2007, gia đình muốn cậu con trai đoạn tuyệt ma túy nên xin cho Cường đi bộ đội. Những tưởng sau khi xuất ngũ Đỗ Cường sẽ thay đổi tính nết, nhưng rồi vừa bước ra khỏi doanh trại quân đội, anh kết bè luôn với giang hồ. Đỗ Cường dính đủ “ngón nghề” của dân xã hội đen (chơi ma túy, bán thuốc lắc, đòi nợ thuê, cá độ, canh sòng bài, đánh nhau). “Thời đó em không biết sợ ai. Kiếm ngày vài triệu rất dễ nên ăn chơi trác táng. Ăn chơi hết tiền lại lao vào những việc làm không lương thiện để có tiền chơi tiếp. Cuối cùng thì thân tàn ma dại”, Cường không giấu diếm lý lịch bất hảo của mình.
Tình yêu đã làm Đỗ Cường thức tỉnh. “Thời gian mới lấy vợ, em còn chơi ma túy và làm một số chuyện không tốt, nhưng rồi có con em “tu” hẳn. Những thằng bạn bất hảo, em xóa hết số điện thoại”, Cường tâm sự. Mong được trợ duyên làm lại cuộc đời, Cường đến chùa quy y tam bảo, trở thành tín đồ nhà Phật. Để nuôi vợ con, Đỗ Cường làm bất cứ việc gì miễn là thiện lương. Anh làm thợ hồ, cơ khí, phục vụ quán karaoke trước khi đến với nghề chạy ba gác. Muốn giúp anh em trong nghề, Cường lập trang web tiếp cận khách hàng để có nhiều cuốc xe chia cho họ.
Nhưng cuộc đời của Cường quá nghiệt ngã. Giã từ được những việc làm và cạm bẫy đen tối, có được một tổ ấm hạnh phúc, nhưng muốn có tiền trang trải cuộc sống, anh đã bán sức khỏe. Và điều cay đắng nhất, xót xa nhất đã xảy ra. “Em khuyên ảnh nghỉ chạy ba gác để chữa bệnh nan y, nhưng ảnh nói nghỉ chạy thì lấy gì nuôi vợ con. Giờ ảnh ra đi để lại mẹ con em bơ vơ không biết bấu víu vào đâu”, vợ Cường nói trong nước mắt.
|
“Em quyết “vá” lại cuộc đời”
Một chiều cuối năm, tôi hẹn uống cà phê, nhưng Ngọc Anh cao hứng: “Hôm nay hên, chở mai cho một đại gia ở Q.2, tiền cước cộng tiền bo được tám trăm nghìn nên em mời anh ăn lẩu uống rượu”. Lúc sương sương, Ngọc Anh thổ lộ: “Nghề ba gác khổ lắm anh ơi. Nhưng kiếm được đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt vẫn có thể ăn ngon, ngủ ngon hơn là đi trộm cướp. Em thấm cảnh cơm tù rồi”. “Cơm tù?”, tôi hỏi. Ngọc Anh rót đầy ly rượu, uống một hơi hết cạn rồi trải lòng: “Em từng vào tù ra tội mấy lần anh ạ”.
Tôi phăng tới, anh chàng chạy xe ba gác được xem là “đại ca” của dân “bào xa lộ” (cách gọi của những người chạy ba gác) kể luôn một mạch. Ngọc Anh nhớ như in, lúc đang học lớp 12 bắt đầu đi theo đàn anh bất hảo ăn chơi, quậy phá, đánh nhau. Năm 2001 bị tòa án xử một năm tù (án treo) vì trộm cắp tài sản. “Trong thời gian chấp hành án treo, máu “yêng hùng” em lại trỗi dậy. Đánh nhau, gây thương tích nên bị xử 12 tháng tù, cộng với 12 tháng tù treo chưa chấp hành xong là 24 tháng”, Ngọc Anh kể.
Ra tù tưởng sẽ “hồi hướng”, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Ngọc Anh lấy xe của một người quen đem bán, lại bị bắt ở tù 2 năm. “Lần trước chấp hành án tại trại Đồng Sơn, Quảng Bình gần nhà, được gia đình thăm nuôi cũng đỡ cực. Lần này bị đưa vào trại giam Nghĩa An ở Cam Lộ, Quảng Trị, cách nhà gần 200 km, em thấm thía nỗi khổ, nỗi nhục của một con người vướng vào tù tội. Em quyết “vá” lại cuộc đời đã quá rách nát, đã quá nhiều tội lỗi của mình”, Ngọc Anh tâm tình.
|
Ngày bước ra khỏi trại giam Nghĩa An về nhà, Ngọc Anh không dám nhìn ba mẹ, hàng xóm. Ra đường thì gặp mọi người nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm. Để “vá” lại cuộc đời mình, Ngọc Anh quyết định đi thật xa để che giấu thân phận, làm lại từ đầu. “Em đặt chân vào Sài Gòn làm đủ thứ nghề. Từ phụ hồ, công nhân, lơ xe, theo đoàn ca nhạc làm không lương học nghề âm thanh... để kiếm cơm”, chàng trai quê Quảng Bình kể.
Mặc cảm tội lỗi, Ngọc Anh lặng lẽ sống thu mình giữa Sài Gòn phồn hoa, náo nhiệt. Anh thèm một mái ấm gia đình nhưng không dám mở lời với bất kỳ cô gái nào. Nhưng rồi duyên số đã “vồ” lấy nhau. Năm 2015, Ngọc Anh gặp một cô gái làm nghề uốn tóc quê An Giang. Biết anh có quá khứ tù tội, nhưng cô gái ấy vẫn yêu rồi họ lấy nhau. Công việc đang làm không thể đủ tiền nuôi tổ ấm, Ngọc Anh quyết định vay 40 triệu đồng để mua xe ba gác. “Lúc mới có xe ba gác dễ kiếm tiền. Còn hiện nay, mỗi ngày kiếm ba đến bốn trăm ngàn chua lắm. Có khi hai ngày không có cuốc xe nào. Nhưng bằng giá nào em cũng ráng cày để nuôi con ăn học đàng hoàng. Đời mình không ra gì rồi”, Ngọc Anh thổ lộ.
Ngọc Anh được mệnh danh “thánh bào xa lộ” vì anh không nề hà bất cứ cuốc xe nào dù xa, dù phải khuân vác nặng nhọc... để có tiền nuôi vợ con. Nhưng những người trong hội ba gác quý Ngọc Anh vì tấm lòng hào hiệp. Anh sẵn sàng chia những cuốc xe cho anh em. Trong hội có những người gặp hoàn cảnh khó khăn bệnh tật, Ngọc Anh đứng ra kêu gọi giúp đỡ. Ngoài ra, anh còn sẵn sàng chạy những cuốc xe chở hàng từ thiện với giá không đồng.
(còn tiếp)
Bình luận (0)