Được gọi là những người “vác tù và hàng tổng”, tổ trưởng dân phố là những công dân nhiệt tình và tâm huyết. Không chỉ góp phần giữ gìn môi trường sống bình yên, nhiều người trong số họ còn có nhiều cống hiến cho cộng đồng.
“Dũng sĩ” dẹp rác
Đến P.Xuân La (Q.Tây Hồ, Hà Nội) hỏi thăm bà Nguyễn Thị Túc (62 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 34, hầu như ai cũng biết vì bà nổi tiếng là khắc tinh của rác thải. Cứ chỗ nào có rác là bà ra tay dẹp sạch, trong đó có cả “núi rác” rộng hàng trăm mét vuông tồn tại nhiều năm trên địa bàn.
Dẫn tôi ra một khoảng sân rộng lớn, cũng là lối đi vào mặt sau của Trường đại học Nội vụ ở ngõ 38, P.Xuân La, bà Túc cho biết, trước đây chỗ này là một bãi rác rộng gần 200 m2 và cao khoảng 2 m, sát nóc của những căn nhà cấp 4. “Điều tôi tâm đắc nhất là giải phóng thành công được bãi rác này. Đây là mảnh đất được đền bù của một gia đình trong ngõ 38. Miếng đất nằm sau nhà của 6 hộ dân và là đất ruộng, xen kẹt nên không ai trông coi. Vì vậy, chỗ này thành nơi tập kết đủ mọi loại rác thải của khu dân cư từ vật liệu xây dựng đến rác thải sinh hoạt hằng ngày. Hết năm này qua năm khác rác chất cao như núi, nhếch nhác và hôi thối. Nhất là nó làm mất mỹ quan vì ngay sát cạnh đường đi vào khu dân cư và ngõ đi vào cổng sau của Trường ĐH Nội vụ…”, bà Túc kể.
|
Trước hiện trạng này, bà đã đến vận động gia đình có đất đồng ý nhận tiền đền bù bằng giá đền bù của nhà nước. “Đồng thời, tôi vận động 6 hộ dân cạnh bãi rác bỏ tiền ra bồi thường cho hộ dân này, với quyền lợi là sẽ xin phép UBND phường để họ được mở cửa sau ra phía bãi rác khi được giải phóng. Lúc đầu, có nhiều người không chấp nhận nhưng tôi vẫn kiên trì vận động vì lợi ích chung của cộng đồng, sau đó mọi người đã đồng thuận”, bà Túc nói.
Tuy nhiên, chưa kịp xử lý được một góc bãi rác, người ta đã lén đổ phế thải đầy lại như cũ. Đặc biệt, sau khi giải phóng được rác thì không ai dám nhận đổ bê tông cho miếng đất, do có nhiều lực lượng muốn tranh giành đến cắm dây thép, chiếm đất mở quán. “Cứ tối đến thì có một lực lượng nào đó đến cắm dây thép gai để chiếm đất. Có người còn chỉ thẳng mặt tôi, chửi bới, đe dọa. Tôi phải lên quận nhờ chính quyền can thiệp, phối hợp với bảo vệ tổ dân phố, công an phường hỗ trợ, mà cũng phải mất cả năm trời mới dẹp rác thành công”, bà Túc nhớ lại.
Đầu năm 2018, bà Túc lại giải quyết một điểm nóng về rác nữa, nơi giáp ranh với P.Xuân Tảo. Do địa bàn này nhiều hàng quán bán đến khuya, lại nhiều người đến thuê trọ nên tình trạng đổ rác không đúng giờ diễn ra thường xuyên. “Cứ sáng ra rác lại ngập ngụa đường đi lối lại. Để vận động người dân chung tay với mình để có môi trường sống xanh, sạch, đẹp, mất khoảng 3 tháng tôi cùng với 2 cán bộ hội phụ nữ túc trực thường xuyên đứng canh điểm bỏ rác sai quy định. Có hôm đến tận 12 giờ đêm, thấy ai cầm túi rác ra là chúng tôi ôn tồn khuyên nhủ họ đổ rác đúng giờ và chỉ cho họ chỗ đổ rác muộn. Từ đó, mọi người đã nghiêm chỉnh chấp hành”, bà Túc nhớ lại.
|
Cũng tại địa bàn còn xuất hiện nhiều điểm đổ rác sai quy định khác đã được bà Túc ra tay “dẹp rác”. Có những hôm trời mưa lớn nhưng bà vẫn đội mưa ra hốt rác. Nhờ sự gương mẫu, tận tâm, khôn khéo vận động người dân của bà Túc mà giờ đây khu dân cư số 5 lúc nào cũng sạch, đẹp. Chỗ điểm nóng về rác giờ khang trang rộng rãi, là nơi để người dân trong khu tổ chức các công việc lớn của gia đình. Gặp tôi ở khu bãi rác trước đây, bà Nguyễn Thị Gấm, một cư dân của khu vực, không ngớt lời khen bà Túc: “Bà Túc thì không chê vào đâu được. Nhờ có bà, bãi rác này mới được giải phóng như một kỳ tích, mà đến giờ người dân ai cũng nhắc đến. Nếu không có bà kiên trì vận động, thuyết phục, thì khu dân cư không văn minh, sạch sẽ được như bây giờ”.
“Tôi đã học tập Bác”
Bà Túc cho biết, khi còn đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ, bà đã tham gia công việc của khu dân cư và đến nay có 20 năm làm tổ trưởng tổ dân phố và kiêm nhiều chức danh như Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, tổ trưởng tổ hòa giải khu dân cư số 5… Không chỉ giúp làng xóm sạch đẹp, văn minh, bà còn vận động người dân tham gia nhiều phong trào có ích cho môi trường, cộng đồng và được người dân tin yêu như người thân. Đặc biệt, nhờ có sự hòa giải của bà mà nhiều gia đình hay xích mích đã trở nên yên ấm, có những cặp vợ chồng tan vỡ được hàn gắn lại…
Điều mà người dân ở đây khâm phục bà là đức tính luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác. Với cương vị Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, nhiều năm qua, bà Túc luôn tiên phong trong việc vận động chị em học Bác cách sống tiết kiệm. Với gần 400 hội viên, bà Túc vận động trên 90% hội viên hưởng ứng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” và đã nuôi được 300 lợn nhựa để giúp đỡ nhiều hội viên khó khăn phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, học Bác ở tinh thần nhân ái, lá lành đùm lá rách, bà Túc còn có sáng kiến xây dựng “Tủ quần áo từ thiện” đặt tại Nhà văn hóa Khu dân cư số 5 để giúp bà con nghèo từ 2 năm nay. Với phương châm “ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận”, tủ quần áo miễn phí đã đem lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Quản lý gia đình bằng... ZaloĐiều khiến tôi ngạc nhiên hơn là dù bận trăm công ngàn việc của xã hội, bà Túc còn khéo “quản lý” một đại gia đình với 2 cặp vợ chồng con trai và con gái cùng 3 đứa cháu nội, ngoại đều ở chung một nhà. “Không phải không có điều kiện cho con ra ở riêng, mà tôi muốn vậy để tiện chăm sóc các cháu nội, ngoại cho các con yên tâm công tác”, bà Túc nói. Hỏi bà lấy thời gian đâu dành cho gia đình thì bà chia sẻ: “Tôi dậy từ rất sớm, khi con cái dậy đi làm là mọi việc nhà đã xong. Tôi lập nhóm trên Zalo, có việc nói trong nhóm, có việc nói riêng, còn có việc nói trong bữa cơm gia đình. Nên mọi việc đều đâu vào đấy”. |
Để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, từ năm 2010, bà Túc còn có sáng kiến thu gom phế liệu để đan làn tặng hội viên, khuyến khích sử dụng làn đi chợ, tránh sử dụng túi ni lông. “Vật liệu đan làn là những sợi dây buộc hàng hóa, do tôi và chị em đi thu lượm từ những cửa hàng kinh doanh và các cơ sở sản xuất. Sau khi thu gom, chúng tôi ngâm xà phòng, giặt sạch, phơi khô, cắt bỏ những đoạn hỏng rồi tính toán sao cho màu sắc khi đan xen hợp lý để tạo nên chiếc làn vừa bền, vừa đẹp. Đến nay đã có 320 hội viên phụ nữ được tặng và sử dụng làn đi chợ”, bà Túc cho hay.
Với sự nhiệt tình, sáng tạo trong công việc, bà Túc được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng bằng khen Người tốt việc tốt năm 2019. Chia sẻ về những tâm huyết của mình sau 20 năm “vác tù và hàng tổng”, bà Túc nói: “Tôi đã học tập Bác ở phong cách “đầu nghĩ, chân đi, miệng nói, tay làm” thì mới được lòng dân. Phải có những hành động cụ thể, dân họ nhìn thấy, chứ còn mình có nói hay đến mấy mà không thực tế, không hiệu quả thì không ai người ta tin”. (còn tiếp)
Bình luận (0)