'Nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt vẫn gây bức xúc'

04/09/2018 14:29 GMT+7

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, " tham nhũng vặt " trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khi trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp sáng 4.9.
Móc ngoặc tạo "sân sau" thâu tóm đất công
Đánh giá về tình hình tội phạm trong 10 tháng đầu năm 2018, ông Vương cho biết hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường.
Theo ông Vương, các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương.
Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế đã phát hiện hơn 16.000 vụ; 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp lật về tham nhũng và chức vụ (tăng 27,03%).
Đáng chú ý, nhờ Đảng, Nhà nước tiếp tục tiển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
"Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng", ông Vương đánh giá.
Ông Vương cho biết, từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tư quản lý kinh tế; 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can).
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước, đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)…
Việc kê biên, thu hồi tài sản bị thiệt hại có chuyển biến tích cực, một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Từ năm 2017 đến nay, thu hồi tài sản kinh tế gần 24.000 tỉ đồng (tăng 44,84%) và tài sản tham nhũng gần 2.700 tỉ đồng (đạt 38,76%).
Tội phạm xảy ra ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban tư pháp về báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban này, khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn một số hạn chế.
Theo ông Pha, đáng chú ý là đã có một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu về báo cáo của Chính phủ Ảnh Lê Hiệp
Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các tổ chức bình phong nhằm tạo ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, có một số vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý.
Ông Pha cũng cho hay, tình trạng mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất đai với giá rẻ cho tư nhân không thông qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của nhà nước.
Bên cạnh đó, tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, một số đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm sai lệch kết quả thi tại tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là giới trẻ vào sự công bằng, nghiêm minh, khách quan...
Về nguyên nhân, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác quản lý cán bộ trong lực lượng chức năng nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm nói riêng vẫn còn sơ hở. Tổ chức bộ máy có nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến một số cán bộ, sĩ quan lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử ở mức rất đáng báo động. Hiện tượng người dân sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, kể cả mâu thuẫn nhỏ đang rất phổ biến, nhất là tình trạng bạo lực học đường, bạo lực tại cơ sở y tế, là một trong những nguyên nhân của vi phạm pháp luật và tội phạm, nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư, nghiên cứu để tìm ra biện pháp hữu hiệu giải quyết...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.