Nhiều hộ dân chạy lũ còn chẳng có thời gian để khóa cửa nhà. Đến khi trận lũ kinh hoàng qua đi, họ dắt nhau trở lại ngôi nhà thân thương, thì "chạy lũ tay trắng, trở về trắng tay".
|
Chạy lũ tay trắng, trở về trắng tay
Có mặt tại xã Lộc Châu (TP.Bảo Lộc), chúng tôi chứng kiến biết bao cảnh đời phải chịu cảnh trắng tay sau trận lũ kinh hoàng kéo dài sau nhiều ngày. Nnhững căn nhà ngập lũ với màu đỏ quánh đặc của bùn đất, lẫn rác thải ngổn ngang. Có những gia đình, lũ cuốn hết toàn bộ tài sản, kể cả nồi cơm điện, chén bát ăn hàng ngày... Những thứ nặng hơn như bàn ghế, giường tủ, tủ lạnh… còn sót lại thì cũng hư hỏng vì bị ngâm nước lâu ngày.
Bà Hoàng Thị Thêm, người dân thôn Tân Ninh (xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc) là một trong người chịu cảnh khốn khổ như thế. Bà Thêm sống cùng đứa con trai đang học lớp 10. Nhà bà ở gần mép suối Đại Lào chảy qua, nên chưa đầy 30 phút, toàn bộ căn nhà bị ngập. Khi nước lũ dâng cao, bà và con trai chỉ kịp leo lên gác xép chờ lực lượng cứu hộ đến cứu giúp.
“Sau 3 ngày tránh lũ trở về, toàn bộ tài sản tivi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện… đều bị nước lũ cuốn trôi. Bùn đất ngổn ngang khắn nơi. Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, sổ đỏ, sách vở của con cũng bị nước lũ cuốn mất sạch. Chạy lũ tay trắng, giờ quay về cũng trắng tay, chẳng còn gì. Mấy hôm nay, chính quyền địa phương hỗ trợ tạm thời 3 thùng mì tôm…”, bà Thêm ứa nước mắt.
|
Cách nhà bà Thêm khoảng 100 m, vợ chồng chị Phạm Thị Kiều Oanh cũng vừa quay về nhà sau 3 ngày ôm con chạy lũ.
Chị Oanh và chồng mình đang lom khom nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong nhà, hoặc bị trôi vướng vào gốc cà phê sau vườn. Chị Oanh nói: “Sau 3 ngày lũ, giờ về nhà tất cả tài sản bị lũ cuốn trôi sạch chẳng còn gì. Còn lại cái tủ lạnh, tivi và chiếc máy khâu tôi may vá hàng ngày cũng bị hư hỏng. Thiên tai mà, chỉ rớt nước mắt thôi, chứ giờ biết làm gì, biết trách ai bây giờ?".
|
|
Nhìn nhà nứt toác, đổ sập, khóc còn không khóc nỗi
Nhưng những hộ dân như bà Thêm và chị Oanh ít ra vẫn còn nhà để quay về. Với nhiều hộ dân khác, mưa lũ, sạt lở làm sập luôn căn nhà, không còn chỗ trú thân.
Ông Cao Bá Tám, thôn 6 (xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc), nói như nghẹn trong cổ: “Làm cả đời, ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặt, gom góp mấy chục năm, vừa xây được căn nhà hơn 500 triệu đồng, vậy mà mưa lũ đã làm sạt lở đất , nhà tôi nứt toác hư hỏng hoàn toàn. Giờ kiếm chỗ chui vô chui ra cho vợ con cũng không có. Con cái thì đang ăn học, nhà thì không có ở, khổ quá. Giờ gia đình tôi chẳng biết bấu víu vào đâu...”
|
Tương tự, nhiều hộ dân ở xã Hà Lâm và TT.Đạ M’ri (H.Đạ Huoai) cũng bị sạt lở đất, lũ cuốn sập nhà đang phải sống ở nhờ nhà hàng xóm. Đoạn qua suối Lạnh dưới chân đèo Bảo Lộc thuộc 2 tổ dân phố (6 và 7, TT.Đạ M’ri) có 4 hộ dân bị lũ tống sập nhà cửa và sạt lở đất khiến nhà treo trên miệng vực, buộc phải sơ tán.
Bà Nguyễn Thị Xét (tổ dân phố 7, thị trấn Đạ M’ri, H.Đạ Huoai) ngậm ngùi: “Mưa lũ kinh hoàng quá, nó cuốn trôi tất cả tài sản của gia đình tôi. Còn mỗi căn nhà, lũ cũng làm sập tường luôn. Mong rằng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp bà con sửa lại căn nhà để có chỗ trú thân”.
|
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân mất nhà cửa sau trận lũ, thở dài: "Nhìn nhà nứt toác, đổ sập, khóc còn không khóc nỗi".
Ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nơi lũ dữ quét qua, vẫn còn rất nhiều những mảnh đời khốn khổ cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.
|
Bình luận (0)