Nhuộm đen cà phê bằng... pin: Bà chủ cơ sở có bị xử lý hình sự?

18/04/2018 19:35 GMT+7

Liên quan đến vụ 'nhuộm đen cà phê bằng... pin', các chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi này phải bị xử lý hình sự.

Như Thanh Niên đã đưa tin, chiều 16.4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng đột nhập vào cơ sở thu mua nông sản của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông), bắt quả tang cơ sở này sản xuất cà phê rang xay được nhuộm đen bằng... lõi pin.
Người lương thiện phải sống sao đây?
Thông tin vụ việc đã khiến dư luận phẫn nộ, đề nghị cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm minh hành vi của bà Loan.
Hàng trăm bình luận của bạn đọc trên Thanh Niên lên án “Đây là tội ác". Bạn đọc Trần Quang Ninh nêu: “Thật độc ác, đây không phải tội buôn bán hàng giả mà là tội giết người hàng loạt”.
Bạn đọc Nguyễn Hải thốt lên: “Trời ơi vì tiền, vì làm giàu, vì lòng tham mà mất nhân tính, thiếu gì việc mà làm, tại sao lại nghĩ ra những trò khủng khiếp như vậy?”.
Bạn đọc Trần Vân Anh bức xúc: “Trái cây ngâm hóa chất, thịt bơm thuốc tăng trưởng, cá ướp hàn the, tôm chích thuốc, mỹ phẩm trộn, cà phê nhuộm đen bằng pin... dẫn đến bị ung thư. Khi bị ung thư thì mua và uống thuốc trị ung thư giả. Thử hỏi người dân lương thiện phải sống sao đây?”. 
Có thể xử lý hình sự
Trả lời PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhận định hành vi nhuộm đen cà phê bằng pin có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, được quy định tại Điều 193 BLHS 2015.
Theo đó, nếu là pháp nhân thương mại thì tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền đến 18 tỉ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn. Nếu là cá nhân thì có thể bị phạt tù mức cao nhất là tù chung thân.
LS Trang phân tích, nếu cơ quan công an điều tra không chứng minh được hành vi nêu trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chỉ xử phạt hành chính theo khoản 6, 7 Điều 5 Nghị định 178/2013 (về xử phạt trong lĩnh vực thực phẩm).
Theo đó, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đồng thời có thể bị phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm nếu mức phạt tiền quy định khung thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm. 
LS Hoàng Tư Lượng (Đoàn LS TP.HCM) cũng đánh giá hành vi của chủ cơ sở trên chỉ vì lòng tham lam mà bất chấp đạo đức kinh doanh, pháp luật để kinh doanh loại hàng hóa độc hại ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Khác với ý kiến LS Trang, LS Lượng cho rằng, hành vi của bà Loan là hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 BLHS 2015, với khung hình phạt từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, Điều 317 cũng có quy định phạt tù từ 3 năm đến 20 năm, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn khác như khác như phạm tội có tổ chức, gây tổn hại sức khỏe, làm chết người…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.