Nỗi lo hiểm họa 'từ trên trời'... ở chung cư: Bị phạt tù nếu gây hậu quả

01/09/2019 07:23 GMT+7

Các cư dân sống trong các căn hộ chung cư sẽ bị pháp luật xử lý nếu bất cẩn làm vật rơi trúng người ở dưới, ném các đồ vật làm hư hỏng tài sản hoặc gây chết người...

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), các cư dân sống trong các căn hộ chung cư bất cẩn làm vật rơi trúng người ở dưới, hoặc những chậu trồng cây cảnh, ném các đồ vật làm hư hỏng tài sản hoặc gây chết người, thì đều xử lý theo quy định của pháp luật.
“Hành vi bất cẩn đó căn cứ từng trường hợp cụ thể và hậu quả xảy ra để xem xét xử lý. Như gây thiệt hại về tài sản của người khác, thì phải bồi thường thiệt hại, đồng thời còn bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng, căn cứ vào điểm d, khoản 2, điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ; nếu hành vi rơi vật dụng gây thiệt hại tài sản người khác thì bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng, theo điểm a, khoản 2, điều 15 của Nghị định 167/2013”, luật sư Tuấn cho biết.
Theo luật sư Tuấn, sống trong môi trường tập thể, cộng đồng, BQL đã có những quy định, nhắc nhở việc vứt, ném hoặc để vật dụng rơi xuống dưới có thể gây sát thương, hư hỏng tài sản. Vì vậy, dù biết trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó thì được gọi là vô ý phạm tội, theo quy định điều 11 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
“Nếu làm chết người do vô ý với hành vi trên, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người tại điều 128 bộ luật Hình sự 2015, và bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Làm chết 2 người trở lên thì phạt tù từ 3 - 10 năm. Trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác từ 31% trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác”, luật sư Tuấn phân tích.
Đồng tình với những quan điểm trên, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, ngoài xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị thiệt hại hoặc nạn nhân có quyền yêu cầu cá nhân vi phạm phải bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, chi phí thực tế phục vụ việc cứu chữa người, chi phí chăm sóc trong thời gian cứu chữa, điều trị, chi phí mai táng (nếu xảy ra thiệt mạng về người)... theo các quy định của bộ luật Dân sự năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.