'Nóng' chuyện mất rừng ở Tây nguyên

30/06/2017 18:19 GMT+7

Hàng trăm ngàn ha rừng và đất rừng ở Tây nguyên dù được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng nhưng đã bị mất, lấn chiếm.

Ngày 30.6, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nguyên, Ban Tuyên giáo T.Ư, Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban công tác tuyên truyền, báo chí 6 tháng đầu năm 2017 và thông tin thành tựu kinh tế xã hội đạt được trong 15 năm qua ở khu vực này.
Tại hội nghị, vấn đề phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn đã “nóng” lên khi được nhiều phóng viên báo, đài quan tâm, tìm hiểu.
Theo BCĐ Tây Nguyên, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên hiện có 3.326.647ha, trong đó diện tích có rừng là 2.558.646ha. Toàn bộ diện tịch này đã được giao các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng; trong đó các Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng, phòng hộ 1.263.270ha, các công ty lâm nghiệp nhà nước 920.242ha, các tổ chức kinh tế khác 193.743ha, đơn vị vũ trang 72.755ha, hộ gia đình, cá nhân 102.102ha, cộng đồng dân cư 26.679ha, UBND các cấp 716.320ha, còn lại là các tổ chức khác. Trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, hiện có đến 282.896ha đang bị tranh chấp (trong đó có 197.356ha đã giao quyền sử dụng đất) với người dân. Các tranh chấp tập trung chủ yếu ở rừng do UBND xã, các BQL rừng phòng hộ và các doanh nghiệp nhà nước quản lý.
Vấn đề đáng quan tâm hơn, dù được giao quản lý sử dụng, nhưng toàn Tây Nguyên bị mất tổng cộng đến 487.096ha rừng, con số lớn nhất thuộc về UBND các cấp và các BQL rừng (cụ thể, UBND các cấp để mất: 209.993ha, các BQL rừng: 112.130ha, doanh nghiệp nhà nước: 87.192ha, hộ gia đình: 25.553ha, tổ chức kinh tế: 23.446ha, đơn vị vũ trang: 21.436ha, cộng đồng: 5.167ha và tổ chức khác để mất 2.179ha). Trong khi đó, năm 2016, các tỉnh Tây nguyên trồng rừng tập trung được 4.811ha; năm 2017 được Bộ NN-PTNT giao trồng rừng tập trung 12.559ha…
Trước tình hình trên, BCĐ Tây nguyên đã đề xuất, kiến nghị với T.Ư, đối với diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm lâu năm và đang sản xuất nông nghiệp ổn định, đề nghị nghiên cứu cho chủ trương rà soát, chuyển mục đích sử dụng đất và giao lại cho địa phương quản lý để bố trí đất sản xuất cho đồng bào thiếu đất hoặc có cơ chế để các công ty lâm nghiệp hợp đồng giao khoán, cho các hộ đồng bào thuê đất để yên tâm sản xuất (không cấp sổ đỏ). Đồng thời sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo hướng hạ thấp mức khung khối lượng vi phạm và tăng nặng mức khung tiền phạt vi phạm hành chính để đủ sức răn đe.
Ngoài ra, BCĐ Tây nguyên cũng đề nghị các tỉnh đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để có cơ sở xử lý các dự án sai phạm, cương quyết đình chỉ, thu hồi các dự án để rừng bị phá hoặc không thực hiện. Đồng thời tính toán giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và buộc phải bồi thường thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.