Oan sai 40 năm: Chuyến đi 'để đời' của cụ bà 94 tuổi đi đòi công lý

28/04/2019 12:00 GMT+7

Hơn 94 tuổi, lần đầu tiên cụ Võ Thị Thương, một trong những nạn nhân của vụ án oan sai 40 năm ở Tây Ninh, được ngủ trong căn phòng có hơi máy lạnh phả xuống, ngủ trên chiếc giường nệm trải drap trắng muốt…

Khuya 24.4, cụ Võ Thị Thương (94 tuổi), một trong những nạn nhân trong vụ “oan sai 40 năm” ở Tây Ninh mà Báo Thanh Niên phản ánh, đã phải chạy đua với thời gian đi từ Dầu Tiếng (Bình Dương) tới Tây Ninh để sáng 25.4 kịp làm việc sớm với Cục Điều tra Viện KSND tối cao về vụ án oan liên quan đến đại gia đình cụ.
[VIDEO] Bí mật vụ án oan sai 40 năm ở Tây Ninh
Gần 10 giờ đêm, xe của người thân thuê mới đến đón cụ. Từ xa đã nhìn thấy bà cụ dáng người nhỏ nhắn, lưng còng ngồi dưới ánh đèn leo lắt chờ đợi. Căn nhà lợp tôn tuềnh toàng nằm ven rừng cao su mà gia đình cụ tá túc 36 năm qua hầu như không có gì đáng giá ngoài di ảnh của chồng, con gái và con rể.
Năm 1983, sau khi ra tù, không còn nhà cửa, chẳng còn đất đai vì bị người ta chiếm mất, bị người đời nguyền rủa vì là “kẻ cướp”, gia đình cụ phải bỏ quê, dắt díu nhau tới Dầu Tiếng mưu sinh. Ban đầu gia đình cụ tá túc tại nhà một người thân, sau này mới tích cóp mua miếng đất cất cái chòi ven bìa rừng rồi xây cất, cơi nới để đại gia đình có chỗ chui ra chui vào.
Lần đầu tiên cụ Thương được ở trong nhà nghỉ có máy điều hòa mát lạnh Ảnh: Trung Hiếu

Cuộc đời của cụ Thương thật lắm gian truân. Tiếng là đông con nhưng sau khi án oan xảy ra người còn, người mất, các con ai cũng nghèo khổ, lại phải lo bươn chải mưu sinh tứ xứ không đỡ đần nhiều cho người mẹ già. Chồng của cụ Thương cũng từ giã cõi đời khi nỗi oan chưa được giải.

Hiện cụ Thương sống với người con trai út ngờ nghệch và người cháu ngoại có ba mẹ mất vì bệnh lao phổi. Ba mẹ con, bà cháu dìu dắt, nương tựa nhau, sinh sống từ đồng lương ít ỏi của người cháu gái làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà.

Trên chuyến xe từ Dầu Tiếng tới TP.Tây Ninh trong đêm, cụ Thương vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nói mấy chục năm qua cụ chưa bao giờ ra khỏi quá rặng cao su gần nhà, ngoài một lần vào tháng 4.2019 lên Viện KSND tỉnh Tây Ninh nhận quyết định đình chỉ minh oan, và lần này lên làm việc cán bộ Cục Điều tra Viện KSND tối cao.

Tuổi già lắm bệnh nên con cái không muốn cụ đi xa nhưng khi hay tin lên làm việc liên quan việc minh oan cụ nhất quyết đòi đi bằng được. Bởi chồng cụ trước khi mất đã trăn trối bằng mọi cách vợ và các con phải minh oan được cho gia đình. Cụ Thương hay dặn dò các con: “Sau này má có chết xuống gặp ba tui bây còn biết nói với ổng là nỗi oan khuất của gia đình mình đã được giải. Gia đình được minh oan, má có chết cũng an lòng”.

Cụ Thương (ngoài cùng bên phải) với người đại diện ủy quyền làm việc với đại diện Cục Điều tra Viện KSND tối cao Ảnh: Trung Hiếu

Hơn 11 giờ khuya, xe mới tới khách sạn. Sống trên đời gần 100 tuổi rồi nhưng đêm đó là lần đầu tiên cụ Thương được ngủ trong cái nhà gọi là “khách sạn” với giá 500.000 - 600.000 đồng cho 6 người/đêm. Đêm đó cũng là lần đầu tiên cụ được ở trong căn phòng chỉ cần ấn nút là hơi máy lạnh phả xuống mát lạnh, trong khi không khí ngoài trời nóng bức. Cũng là lần đầu tiên trong đời cụ được ngủ trên chiếc giường nệm trải drap trắng muốt, biết thế nào là bồn vệ sinh, bồn rửa mặt thơm tho, sạch sẽ như lau…

Mát mẻ, tiện nghi là thế nhưng sáng ra cụ bảo suốt đêm không hề chợp mắt được. Một phần bởi tuổi già đi xa lạ nhà khó ngủ và bởi một phần những ký ức đau thương của 40 năm về trước như cuốn phim chiếu chậm hiện về trong đầu.

Đó không phải cảnh ép cung, đánh đập của điều tra viên mà chính là cảnh gia đình tan nát, con cái bơ vơ chỉ sau một đêm. Rồi cảnh cả gia đình cụ nheo nhóc, phải trốn chạy, tha hương cầu thực sau khi ra tù. Khi cụ bị bắt, người con út Nguyễn Thành Út mới 4 tuổi sống lay lắt bơ vơ giữa đời. Nay hơn 44 tuổi đầu mà anh Út vẫn vẫn còn ngờ nghệch như đứa trẻ 4 - 5 tuổi suốt ngày chỉ loanh quanh bên mẹ.

Do sức khỏe yếu, bị huyết áp, đau lưng nên đi đâu cụ Thương cũng phải mang thuốc đi theo Ảnh: Trung Hiếu
Trên đường về, xe chạy qua Tòa thánh Tây Ninh, nhân tiện con cháu đưa cụ Thương vào thăm tòa thánh. Bởi mang tiếng là dân Tây Ninh gốc, sống gần cả trăm năm nhưng chưa một lần cụ được vào thăm tòa thánh – địa chỉ mà bất cứ người Tây Ninh đều mong muốn ghé thăm.
Cụ kể hồi trẻ cùng với chồng tham gia cách mạng đi khắp mọi nơi vào tận rừng sâu, tới chốn bưng biền nhưng gia cảnh vất vả, con cái nheo nhóc khiến 40 năm qua cụ chỉ biết quanh quẩn ở nhà.
Nghe cụ kể, mọi người trên xe an ủi sau này oan sai được giải, thời gian thảnh thơi con cháu sẽ đưa cụ đi chơi bù đắp cho quãng đời 40 năm thiệt thòi. Nghe xong cụ vừa nhai trầu vừa lắc đầu nguầy nguậy. Với người khác quãng đường hơn 50 km từ Dầu Tiếng lên Tây Ninh chỉ là ngắn ngủi nhưng với cụ đó là chuyến đi dài.
Lần đầu tiên cụ Thương được đi thăm Tòa thánh Tây Ninh Ảnh: Trung Hiếu

Giờ cụ chỉ mong nỗi oan sai 40 năm sớm được giải, công lý sớm được thực thi. Cụ cũng mong chuyến đi dài cuối cuộc đời sớm kết thúc để cụ được về bên ngôi nhà tuềnh toàng bên rừng cao su, nơi có thằng Út 44 tuổi đầu vẫn còn ngờ nghệch đang trông ngóng mẹ về.

Trước đó, Báo Thanh Niên có loạt bài nêu những sai sót liên quan đến “vụ cướp 5 chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) dẫn đến các nạn nhân kể trên bị oan sai 40 năm. Đêm 26.7.1979, chỉ vì tin báo có vụ cướp vàng xảy ra tại nhà máy xay lúa do ông Nguyễn Văn Đơ làm chủ, 8 người trong một “đại gia đình” đang sống cuộc đời yên ấm bỗng nhiên bị bắt.

Tám người bị bắt là: ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn), Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thành Nghị, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Lan. Những người này bị bắt giam 3 năm 9 tháng 14 ngày. Năm 1983, họ được ra tù nhưng chỉ có ông Dũng (lớn) có quyết định đình chỉ vụ án do khi bị bắt ông đang là quân nhân chiến đấu ở chiến trường Campuchia (ông Dũng đã lấy quyết định đình chỉ vụ án này để khiếu nại đòi bồi thường do bị tù oan - PV). Năm 2018, TAND Tây Ninh phán quyết VKS tỉnh Tây Ninh phải bồi thường ông Dũng 615 triệu đồng.

Sau loạt bài phản ánh của Báo Thanh Niên, ngày 4.4, VKS tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ vụ án cho 7 nạn nhân (và đại diện các nạn nhân) còn lại. Đây là cơ sở để các nạn nhân đòi quyền lợi, bồi thường cho mình sau nỗi niềm oan sai 40 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.