Ông Đặng Lê Nguyên Vũ thắng kiện vợ

21/03/2018 15:06 GMT+7

HĐXX nhận định vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ là cổ đông đồng sáng lập Công ty Trung Nguyên, có 30% cổ phần tại đây nhưng chiếm giữ con dấu và giấy chứng nhận là hành vi trái luật.

Ngày 21.3, Tòa kinh tế TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, trong đó nguyên đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (viết tắt là Công ty Trung Nguyên) và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Nguyên).
Đại diện theo pháp luật của Công ty Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ gửi đơn khởi kiện nêu bà Thảo có hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty và các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Khống chế, cưỡng đoạt con dấu, giấy tờ công ty
Theo đó, sáng 16.10.2015, bà Thảo dẫn theo một số người đến trụ sở khống chế thư ký ban Tổng giám đốc để cưỡng đoạt bất hợp pháp con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty. Hành vi này của bà Thảo đã được Văn phòng thừa phát lại Q.Tân Bình (TP.HCM) ghi nhận vào ngày xảy ra sự việc.
Trình bày tại tòa, đại diện ủy quyền cho nguyên đơn khẳng định hành vi của bà Thảo nêu trên khiến công ty đang gặp nhiều khó khăn. “Dù công ty đã làm lại con dấu nhưng việc tồn tại hai con dấu cùng lúc đang tạo ra nhiều bất cập và rối loạn trong hoạt động quản lý, điều hành”, vị này nói.
Theo đơn khởi kiện, phía Tập đoàn Trung Nguyên đã nhiều lần có văn bản yêu cầu bà Thảo trả con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty nhưng do bà Thảo không hoàn trả; đồng thời, bà Thảo có dấu hiệu sử dụng trái phép các con dấu với mục tiêu gây rối, phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên nên buộc công ty phải khởi kiện.
Nguyên đơn yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu của Công ty Trung Nguyên, yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty, yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi nhân danh công ty để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền, yêu cầu bà Thảo hoàn trả ngay cho công ty con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt ngày 16.10.2015.
Có trả lại nhưng không chịu nhận
Sáng nay, dù triệu tập hợp lệ 2 lần nhưng bị đơn vắng mặt nên phiên tòa xét xử vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi tới TAND TP.HCM, bà Thảo cho rằng Công ty Trung Nguyên không đủ tư cách pháp nhân đứng ra khởi kiện cho tất cả các công ty thuộc Công ty Trung Nguyên bởi những công ty này có tư cách pháp nhân độc lập. Và mặc dù các công ty hoạt động theo tổ chức công ty mẹ - công ty con, nhưng việc đứng ra khởi kiện cho nhiều công ty là vượt quá thẩm quyền, ảnh hưởng tới quyền lợi của bà.
Trong bản tường trình gửi tòa, bà Thảo cho rằng mình rất “sốc” khi bị kiện với nội dung đang chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu của công ty. Bà Thảo nêu bà là cổ đông đồng sáng lập Công ty Trung Nguyên và có 30% cổ đông tại đây, bà là Phó chủ tịch HĐQT nên có quyền sử dụng con dấu của công ty.
Mặt khác bà đang là vợ hợp pháp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng như Công ty Trung Nguyên được hình thành trong quá trình hôn nhân nên bà phải có trách nhiệm điều hành công ty.
Theo bà Thảo, có giai đoạn ông Vũ thường xuyên vắng mặt, nhằm đưa công ty thoát khỏi khó khăn nên buộc bà phải thay ông Vũ điều hành công ty. Để duy trì hoạt động của công ty nên ngày 16.10. 2015, bà đã trực tiếp nắm giữ con dấu của công ty, sự việc này được thông báo cho HĐQT, công an TP.HCM, Sở kế hoạch đầu tư TP.HCM. Khi ông Vũ quay trở lại tiếp quản Công ty, bà Thảo đã trả lại con dấu và mời thừa phát lại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) lập vi bằng. Song, ông Vũ không nhận lại nhằm gây áp lực cho bà.
Tuyên buộc bà Thảo trả lại con dấu
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định căn cứ vào giấy phép kinh doanh của Công ty Trung Nguyên, ông Đăng Lê Nguyên Vũ là đại diện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bà Thảo chỉ là cổ đông không nhưng lại chiếm giữ các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Trung Nguyên và các công ty con là hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra, bà Thảo không được ủy quyền để thực hiện bất cứ công việc nào của công ty sau ngày 31.12.2014 nên bà Thảo không có thẩm quyền để nhân danh công ty phát hành các văn bản đến đối tác, khách hàng.
Do đó việc bà Thảo sử dụng con dấu của công ty để đóng trên các văn bẳn mà mình không có thẩm quyền ký là hành vi bị nghiêm cấm.
Về việc bà Thảo cho rằng mình có thiện chí giao lại con dấu tuy nhiên ông Vũ không nhận lại, theo HĐXX, phiên tòa này đã nhiều lần hòa giải nhưng bà Thảo một mực không giao trả con dấu và giấy chứng nhận cho phía nguyên đơn nên không có cơ sở xem xét lời trình bày của bà Thảo.
Từ đó HĐXX chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu của công ty; chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty; hoàn trả lại cho người đại diện theo pháp luật của TNH, con dấu của công ty cũng như các giấy đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.