Thủ tướng quyết định cho ông Nguyễn Quốc Khánh thôi giữ chức Chủ tịch PVN để về Bộ Công thương chờ phân công nhiệm vụ mới. Ông Mai Tiến Dũng cũng thông báo ý kiến của Thủ tướng phân công ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn PVN tạm thời kiêm nhiệm chức chủ tịch. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên sau buổi lễ công bố, ông Mai Tiến Dũng nói việc điều động này là do yêu cầu công việc mà Bộ Công thương đề xuất. Đây cũng là câu trả lời của người phát ngôn Bộ Công thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khi trao đổi với Thanh Niên trước đó về lý do điều chuyển ông Khánh.
Ông Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi), quê quán Hà Tĩnh, là người đã có nhiều năm công tác tại PVN như từng là Phó tổng giám đốc Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP); Tổng giám đốc Công ty liên doanh dầu khí Mê Kông; Tổng giám đốc Công ty chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC); Tổng giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil); Phó tổng giám đốc PVN từ tháng 7.2009. Từ tháng 11.2014, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PVN. Tháng 7.2015, ông kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch tạm thời khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Sơn bị cho thôi chức. Đầu năm 2016, ông chính thức đảm nhận chức Chủ tịch PVN.
Có một chi tiết đáng chú ý là, ngay buổi chiều 9.3, cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan đến các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ của PVN đã phải tạm hoãn trong khoảng 30 phút để lãnh đạo tập đoàn tham dự buổi lễ công bố quyết định nhân sự kể trên. Đây là cuộc họp có sự góp mặt của nhiều cựu lãnh đạo tập đoàn.
Mặc dù Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lẫn lãnh đạo Bộ Công thương đều khẳng định việc điều chuyển ông Khánh là "do yêu cầu công việc", song dư luận hướng nhiều đến trách nhiệm của ông Khánh đối với những tồn tại của PVN và các đơn vị thành viên thuộc PVN mà ông Khánh từng làm lãnh đạo.
|
Các dự án ethanol phá sản
Cuối năm ngoái, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về các dự án nhiên liệu sinh học (ethanol) với những kết luận rất rõ về khuyết điểm, vi phạm của PVN, chủ đầu tư lẫn các nhà thầu từ khâu chọn địa điểm, chỉ định thầu, đàm phán ký kết hợp đồng... Tổng công ty dầu VN (PV Oil) do ông Nguyễn Quốc Khánh làm tổng giám đốc (giai đoạn từ 7.2008 - 8.2009) là doanh nghiệp góp vốn chính trong 2 công ty cổ phần và 1 liên danh để thực hiện 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước.
Tại dự án ethanol Phú Thọ, khởi công năm 2008, có tổng mức đầu tư (điều chỉnh) hơn 2.480 tỉ đồng thì PV Oil là cổ đông chính với gần 40% cổ phần tại doanh nghiệp dự án (chủ đầu tư) là Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB). Theo Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm thanh tra (12.2014), dù là dự án được thực hiện sớm nhất, từ tháng 9.2009 nhưng vẫn chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11.2011 với số tiền đã thanh toán trên 1.500 tỉ đồng. Cuối năm ngoái, trong 3 phương án về hướng xử lý mà PVN xây dựng thì có kịch bản cho dừng dự án, phá sản doanh nghiệp và được Bộ Công thương ủng hộ.
Tương tự, tại dự án ethanol Quảng Ngãi (dự án Dung Quất, khởi công tháng 9.2009), tính đến tháng 10.2014, Thanh tra Chính phủ cho hay PV Oil là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ cổ phần 38,75%. Doanh nghiệp góp vốn lớn nhất là Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn với 61%. Đây cũng là dự án đội tổng mức đầu tư từ 1.493 tỉ đồng lên xấp xỉ 1.890 tỉ đồng. Trong khi đó, số tiền đã thanh toán đã vượt con số 2.100 tỉ đồng. Tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết dự án đã đầu tư xong nhưng hầu như không vận hành. Sang năm 2015, nhà máy chỉ vận hành 2 đợt với vỏn vẹn 36 ngày, số sản phẩm thu được chỉ đạt 7,2% công suất thiết kế và dừng sản xuất từ tháng 4.2015.
Trong khi đó, với dự án tại Bình Phước liên danh với đối tác Nhật Bản (sau này là với đối tác Thái Lan do đối tác Nhật chuyển nhượng), đến tháng 10.2014, PV Oil góp 29%, tương đương khoảng 209 tỉ đồng. Đây cũng là dự án đã hoàn thành nhưng hầu như không vận hành do đối tác nước ngoài nắm quyền chi phối đã cho ngừng hoạt động từ năm 2013.
Trong phần kiến nghị biện pháp xử lý về trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị chuyển hồ sơ sang công an điều tra xử lý đối với các sai phạm trong đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong lựa chọn địa điểm xây dựng dự án (Dung Quất), trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC.
Bình luận (0)