Ông Nguyễn Văn Nên được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM

18/10/2020 05:43 GMT+7

Lúc 20 giờ 30 ngày 17.10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về ngày làm việc thứ 4 của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Nguyễn Văn Nên được bầu với số phiếu tuyệt đối

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết đại hội đã bầu Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP.HCM khóa mới với 61 ủy viên vào trưa 17.10. Sau đó, hội nghị lần thứ nhất của BCH đã bầu được Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 15 ủy viên.

Tóm tắt quá trình công tác của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Thiện Nhân nhiệm vụ mới

Chiều 17.10, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự.
Trên cơ sở đề nghị của Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng ý chủ trương phân công ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, sau Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI tiếp tục theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM cho đến khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo ông Khuê, riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, đã được Bộ Chính trị chỉ định tham gia BCH, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, nên BCH không bầu mà chỉ thực hiện theo quyết định về nhân sự chủ chốt của Bộ Chính trị. Như vậy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM hiện có 16 ủy viên; dự kiến sẽ bổ sung 1 ủy viên sau đại hội cho vị trí Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, do ông Nguyễn Hồ Hải được bầu làm Phó bí thư Thành ủy TP.HCM.
Hội nghị cũng bầu nhân sự Thường trực Thành ủy TP.HCM và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM. Theo đó, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với tỷ lệ 100%; 4 Phó bí thư gồm: ông Trần Lưu Quang (thường trực), ông Nguyễn Thành Phong, bà Nguyễn Thị Lệ và ông Nguyễn Hồ Hải. Ông Dương Ngọc Hải tái đắc cử Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM với tỷ lệ 100%.
Theo chương trình làm việc của đại hội, sáng nay (18.10), BCH Đảng bộ TP.HCM, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Đoàn đại biểu Đảng bộ TP.HCM dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ra mắt đại hội. Đại hội cũng sẽ biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Nên được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối

Mức tăng trưởng khoảng 8% là khả thi

Trước đó, trong phần thảo luận tại đại hội, một số ý kiến cho rằng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP.HCM bình quân hằng năm từ 8 - 8,5% là khó khả thi, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang tác động xấu đến kinh tế.

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025

1. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM
2. Ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM
3. Ông Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM
4. Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM
5. Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM
6. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM
7. Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM
8. Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM
9. Ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM
10. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM
11. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM
12. Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM
13. Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM
14. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Quận ủy Q.5
15. Bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy Q.1
16. Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng
Thay mặt Đoàn Chủ tịch đại hội, đại biểu Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tiếp thu và đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm xuống còn 8%. Lý do điều chỉnh vì TP.HCM là địa phương có độ mở kinh tế lớn, khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, một số quốc gia đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3. Ngoài ra, các tổ chức thế giới đánh giá kinh tế thế giới sẽ cần thời gian dài để phục hồi, nhanh nhất cũng hết năm 2021; dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức âm và hạ mức tăng trưởng năm 2021 từ 5,4% xuống còn 5,2%. Do đó, kinh tế VN sẽ còn khó khăn trong những năm tiếp theo và VN cũng đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2020.
Đối với TP.HCM, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 tăng từ 8,3 - 8,5% nhưng thực tế 9 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,77%, ước đạt mức tăng trưởng 1,3% vào cuối năm. Đáng chú ý, trong cơ cấu kinh tế TP.HCM, nhóm ngành dịch vụ chiếm 62% GRDP, đây là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của Covid-19 nên cần nhiều thời gian để phục hồi. Mặt khác, TP.HCM đã đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại trong năm 2021 là 23% (hiện nay là 18% - PV), nhưng do khó khăn chung của nền kinh tế nên đề xuất này chưa được Quốc hội thông qua, và có thể phải chờ đến năm 2022. Vì vậy, việc xem xét điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TP.HCM còn khoảng 8% là khả thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.