PGS.TS Tăng Chí Thượng: Đi lên từ bác sĩ nội trú

25/08/2021 18:58 GMT+7

Điểm nhấn của PGS.TS Tăng Chí Thượng, tân Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, là xây dựng quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện và xây dựng bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh...

Trưa 25.8, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trao quyết định bổ nhiệm PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thời gian giữ chức vụ 5 năm kể từ ngày 1.9.
PGS.TS Tăng Chí Thượng năm nay 54 tuổi, quê ở Trà Vinh. Từ tháng 10.1984, ông là sinh viên khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Ông tốt nghiệp bác sĩ vào năm 1990 và vào bác sĩ nội trú chuyên khoa Nhi.
Từ tháng 9.1994 đến tháng 8.2013, ông công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19.5.2001. Từ bác sĩ điều trị, với năng lực tốt, ông lần lượt trải qua các chức vụ Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, rồi Phó giám đốc Bệnh viện và Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1.

PGS.TS Tăng Chí Thượng trong 1 lần đóng vai bệnh nhân kiểm tra bệnh viện

ẢNH: DUY TÍNH

Từ tháng 8.2013, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phụ trách lĩnh vực điều trị.
Từ tháng 10.2020 đến nay, PGS.TS Tăng Chí Thượng là Thành ủy viên nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ông được tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (năm 2017), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2017), Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2015).

Dấu ấn "báo động đỏ, bệnh viện vệ tinh"

Khi đương chức tại Bệnh viện Nhi đồng 1, PGS.TS Tăng Chí Thượng đẩy mạnh phát triển về quản lý chất lượng, chuyên sâu sơ sinh - hồi sức sơ sinh, tim mạch, hồi sức cấp cứu, bệnh lý nhiễm trùng như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Khi nhận chức Phó giám đốc Sở Y tế, PGS.TS Tăng Chí Thượng đẩy mạnh phát triển quản lý chất lượng bệnh viện trong toàn hệ thống y tế TP.HCM, mục đích hướng đến hài lòng người bệnh, trong đó cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà cho bệnh nhân bảo hiểm y tế nhằm giảm quá tải. Ông cũng đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao; phát triển hệ thống cấp cứu 115 như hình thành hàng chục trạm cấp cứu 115 vệ tinh phủ khắp quận, huyện; tăng cường an ninh an toàn bệnh viện, bệnh nhân.

Từ khi có ca bệnh Covid-19 đầu tiên, PGS.TS Tăng Chí Thượng đã chỉ đạo thiết lập các khu cách ly, điều trị tại các bệnh viện

ẢNH: DUY TÍNH (chụp ngày 3.2.2020)

Điểm nhấn của PGS.TS Tăng Chí Thượng là áp dụng quy trình báo động đỏ nội viện của Bệnh viện Nhi đồng 1 nhằm huy động nhân vật lực cứu sống bệnh nhân nguy kịch ra toàn bệnh viện thành phố và lan tỏa ra các bệnh viện khác. Từ báo động đỏ nội viện, ông phát triển thành báo động đỏ ngoại viện, huy động cùng lúc nhiều bệnh viện tập trung cứu bệnh nhân nặng… Hiện nay, báo động đỏ nội viện và liên viện đã trở thành quy trình áp dụng trên toàn TP.HCM, cứu nhiều bệnh nhân nguy kịch.
Điểm nhấn đặc biệt nữa là ông kéo bệnh nhân tuyến trên giãn ra bằng cách lập các bệnh viện, phòng khám vệ tinh của bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ tuyến trên hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới khám bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình khám chữa bệnh; chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh theo hẹn giờ…
PGS.TS Tăng Chí Thượng cũng “tuyên chiến" với phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm pháp luật, phòng khám “chui”, đặc biệt là các cơ sở thẩm mỹ chui.
Gần đây, PGS.TS Tăng Chí Thượng cùng các sở, ngành khác đang thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng dịch Covid-19 ập đến khiến công việc này tạm gián đoạn.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 tấn công đến nay, PGS.TS Tăng Chí Thượng tập trung vào mảng điều trị bệnh nhân Covid-19 như xây dựng phác đồ, phân luồng bệnh nhân, chuẩn bị kịch bản giường bệnh cho Covid-19, nhất là bệnh nhân hồi sức. Từ 500 giường hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng đến nay đã phát triển lên khoảng 4.000 giường. Song song đó là xây dựng các kịch bản tiếp nhận bệnh nhân không do Covid-19.
Mới đây ông cũng đã tham mưu UBND TP.HCM chuyển đổi công năng một số bệnh viện thành bệnh viện điều trị Covid-19, hoặc bệnh viện “tách đôi” vừa điều trị Covid-19, vừa điều trị bệnh không phải do Covid-19.
Với nhiệm vụ mới từ ngày 1.9, khi tình hình hiện nay số ca nhiễm Covid-19 nặng, tử vong ngày càng tăng, đây sẽ là thách thức rất lớn mà tân Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phải giải quyết. Song song đó là số bệnh nhân không mắc Covid-19 sẽ trở lại khi dịch bệnh Covid-19 hạ nhiệt.
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng nhận quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội từ ngày 1.9.2021.
Trước khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vào tháng 6.2012, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh là Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Thời gian tại chức Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh tập trung vào điều trị, dự phòng, phát triển kỹ thuật cao như ghép tủy, ghép tạng; đấu thầu thuốc... Khi dịch Covid-19 bước sang giai đoạn mới, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh đến tuổi nghỉ hưu.
Dấu ấn rõ nét của GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh là giúp giảm tải bệnh viện bằng việc tham mưu xây các bệnh viện mới, đôn đốc, giám sát để đạt tiến độ. Bệnh viện ngàn tỉ đồng là Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 vừa hoàn thành thì chuyển công năng điều trị bệnh nhân Covid-19. Song song đó là Bệnh viện Truyền máu huyết học mới và Viện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng gần hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn công trình đình trệ như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.