Tọa đàm Biển Đông: 'Không thể để kẻ thù tấn công mặt biển'

15/10/2019 07:56 GMT+7

Đó là điều mà TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nhấn mạnh trong tọa đàm “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông” do Báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức sáng 14.10.

Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế

Tại tọa đàm, TS Trần Công Trục một lần nữa nhấn mạnh rằng những tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, trên luật pháp quốc tế.
“Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 như một “Hiến chương xanh”, như Hiến pháp của LHQ về luật Biển, để điều chỉnh mọi việc xảy ra trên các đại dương. Căn cứ vào UNCLOS, Việt Nam đã nội luật hóa bằng luật Biển năm 2012 và đã tuyên bố cách xác lập vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo UNCLOS”, theo TS Trần Công Trục.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã vận dụng nhiều lý lẽ khác nhau về thứ gọi là quyền lịch sử để yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với hơn 90% Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế. “Năm 1996, Trung Quốc đã công bố đường cơ sở bằng cách vận dụng thiết lập đường cơ sở quốc gia quần đảo đối với Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từ đường cơ sở bao quanh Tây Sa đó, Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nhưng đó là một cách vận dụng sai công ước”, TS Trần Công Trục nêu thực tế. Bởi theo UNCLOS, thứ mà Trung Quốc gọi là Tây Sa không phải quốc gia quần đảo, và “Tây Sa” đó cũng không thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Chúng ta giữ nhà mà không giữ cửa thì giặc sẽ vào. Không thể để cho kẻ thù tấn công mặt biển để tiến vào

TS Trần Công Trục

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT), cũng nêu các căn cứ về địa chất, địa lý chứng minh các bãi ngầm Tư Chính, Quế Đường, Huyền Trân, Phúc Tần, Phúc Nguyên hoàn toàn nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. “Về mặt địa chất thì bãi Tư Chính - Vũng Mây thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không thuộc về quần đảo Trường Sa như một số người nhầm tưởng. Đó là một sai lầm rất nghiêm trọng. Về mặt địa lý, cũng chưa bao giờ, chưa có một học giả nào quan niệm Trường Sa bao gồm cả vùng Tư Chính - Vũng Mây”, PGS Nguyễn Chu Hồi nói.
Bên cạnh đó, TS Trần Công Trục chỉ ra: “Tòa trọng tài đã bác bỏ hoàn toàn lập luận của Trung Quốc về thứ gọi là “quyền lịch sử” đối với các khu vực trên, bởi khi thảo luận về UNCLOS 1982, một số quốc gia đã đưa ra vấn đề quyền lịch sử đối với tài nguyên trên biển, nhưng đã bị đa số quốc gia bác bỏ”. Qua đó, vị tiến sĩ này khẳng định: “Việt Nam hoàn toàn có quyền chủ quyền, quyền tài phán với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, bao gồm bãi Tư Chính”.

Việt Nam đấu tranh bằng chính nghĩa

“Chúng ta giữ nhà mà không giữ cửa thì giặc sẽ vào. Không thể để cho kẻ thù tấn công mặt biển để tiến vào. Đó là câu Bác Hồ dặn chúng ta. Làm sao để giữ cho được biển với hình tượng là cái cửa. Cửa mà không giữ được thì đất liền cũng không giữ nổi. Chắc chắn dân tộc này, truyền thống của dân tộc này là không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ một sự đe dọa, một sự xâm lược, cho dù kẻ thù mạnh đến đâu”, TS Trần Công Trục lưu ý. Đồng quan điểm đó, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng “biển là của để đời, không chỉ của thế hệ này mà còn nhiều thế hệ khác”, “biển mãi mãi là rất quan trọng với dân tộc Việt Nam”.
Việt Nam phải làm gì để “giữ biển”, TS Trần Công Trục trả lời câu hỏi này: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nói “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta trên biển. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Để “kiên quyết, kiên trì” thì cần một chiến lược lâu dài.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng Việt Nam là nước nhỏ, nên nguyên tắc đầu tiên phải chú ý là phải bảo đảm tiếng nói chính nghĩa; và phải giữ được thanh danh. “Chúng ta có chỗ dựa ở sự thật, ở chính nghĩa và do đó sẽ tăng cường được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế”, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nêu quan điểm. V.H
Kinh tế biển luôn đóng góp trên 60% GDP của Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia biển, với diện tích biển rộng gấp 3 lần lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý cũng như 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong lịch sử, kẻ thù xâm lược đa số từ phía biển. Nói đến Việt Nam là nói đến Biển Đông, Biển Đông gắn liền với Việt Nam chúng ta. Là tuyến hàng hải nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, lớn thứ hai thế giới; Biển Đông cũng là nơi phát triển kinh tế biển của nước ta. Kể từ khi Việt Nam thực hiện chiến lược biển từ 2007 đến nay, kinh tế biển và các vùng ven biển luôn đóng góp trên 60% tổng GDP của Việt Nam.
TS Tạ Đình Thi (Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.